Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nam Phi đối phó với thịt nhiễm khuẩn

Minh Hiếu| 11/03/2018 07:09

(HNM) - Đầu tháng 3-2018, nhiều nước láng giềng đã cấm nhập các sản phẩm thịt chế biến từ Nam Phi sau khi quốc gia này xác định được nguồn gốc làm bùng phát dịch nhiễm khuẩn Listeria.

Liên hợp quốc cho biết, đây là đợt dịch Listeria lớn chưa từng có trên thế giới và Nam Phi đã phải mất hơn một năm để tìm ra nguồn gốc ổ dịch. Kể từ tháng 1-2017, đến nay đã có 948 trường hợp nhiễm khuẩn Listeria được ghi nhận tại quốc gia này, trong đó hơn 170 người trong đã tử vong.



Khuẩn Listeria có tên khoa học là Listeria monocytogenes, là loại vi khuẩn thường gặp ở các sản phẩm sữa chua được khử trùng, phomát, thịt nguội, rau quả, hải sản xông khói và đóng hộp. Những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi loại vi khuẩn này là người có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh với tỷ lệ tử vong khoảng 20%. Các triệu chứng nhiễm khuẩn bao gồm sốt cao, các triệu chứng giống cảm cúm, nôn mửa và tiêu chảy. Dịch bệnh truyền qua thực phẩm có khả năng gây chết người này được ghi nhận lần đầu tiên tại Nam Phi cách đây 40 năm và nay được xếp vào nhóm bệnh nguy hiểm.

Dịch nhiễm khuẩn Listeria được cho là xuất phát từ nhà máy chế biến thực phẩm Enterprise Food ở TP Polokwane phía Nam của Nam Phi. Thanh tra thành phố, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lấy 300 mẫu xét nghiệm tại cơ sở này và kết quả cho thấy, 16 trong số đó dương tính với Listeria.

Chính phủ Nam Phi đã khuyến cáo người dân không nên dùng các sản phẩm thịt đã qua chế biến, các sản phẩm ăn liền được làm từ thịt và yêu cầu thu hồi các sản phẩm trên tại các quầy chợ, siêu thị. Các nước láng giềng như Namibia, Mozambique, Malawi, Botswana và Zambia cũng đã áp dụng các biện pháp tương tự và gấp rút thu hồi, tạm dừng nhập khẩu thịt từ Nam Phi nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch. Bên cạnh đó, Ủy ban Tiêu dùng quốc gia Nam Phi cũng làm việc với các nhà sản xuất nhằm bảo đảm các sản phẩm bị ảnh hưởng không được tung ra thị trường.

Chuỗi siêu thị lớn thứ hai nước này là Pick n Pay cho hay, từ ngày 4-3 vừa qua đã thu hồi các sản phẩm từ những cơ sở sản xuất được Bộ Y tế khuyến cáo.

Theo Bộ trưởng Y tế Nam Phi Aaron Motsoaledi, việc thu hồi sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ mạng lưới phân phối của các nhà sản xuất cả trong và ngoài nước. Cổ phiếu của công ty thực phẩm lớn nhất Nam Phi là Tiger Brands đã sụt giảm nghiêm trọng. Hãng RCL Foods với một nhà máy sản xuất các sản phẩm thịt tương tự cũng đã đối mặt với sự sụt giảm giá cổ phiếu. Cả hai hãng thực phẩm cho biết, họ đang tích cực hợp tác với chính quyền, đồng thời ngừng sản xuất các mặt hàng thịt sau khi cơ quan y tế ra lệnh thu hồi các sản phẩm này.

Các chuyên gia y tế cho biết, khi không có triệu chứng nhiễm bệnh rõ ràng, người dân không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu cảm thấy hệ thống miễn dịch bị suy giảm, gặp vấn đề về dạ dày hoặc sốt và tiêu chảy thì nên đi khám bác sĩ ngay. Chính quyền Nam Phi cũng khuyến cáo người dân không nên vứt bỏ các sản phẩm thịt đã qua chế biến bị nghi nhiễm khuẩn mà cần gửi trả lại các cửa hàng bán lẻ để nguồn bệnh không phát tán rộng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nam Phi đối phó với thịt nhiễm khuẩn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.