(HNMO) - Chiều 24-8, chủ trì Hội nghị trực tuyến giao ban phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thẳng thắn cho rằng, năm nay dịch bệnh đến sớm, nhưng công tác nhận định, dự báo tình hình đều diễn ra muộn, khiến cho từ ca đầu tiên, sốt xuất huyết đã lan rộng đến 30 quận, huyện, thị xã.
Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh đến 5 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để công tác chống dịch đạt hiệu quả không chỉ cho năm nay, mà còn cho các năm tiếp theo.
Cùng dự tại điểm cầu UBND TP Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý; lãnh đạo Bộ Y tế; các sở, ban, ngành và thành viên Ban chỉ đạo.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi họp trực tuyến về phòng, chống sốt xuất huyết với lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn chiều 24-8. |
Trên “nóng”, dưới “lạnh”
Tính đến ngày 23-8, Hà Nội đã ghi nhận gần 20.000 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nhận định, những tuần gần đây, số ca mắc có xu hướng giảm nhẹ (giảm khoảng 300 ca/tuần); số bệnh nhân điều trị nội trú tại các bệnh viện cũng giảm so với các tuần trước. Theo phân bố bệnh nhân và mức độ cảnh báo, hiện có 14 quận, huyện rơi vào mức “báo động đỏ”, 8 quận, huyện ở mức “da cam” và 8 quận, huyện, thị xã ở vùng màu “vàng”.
Theo báo cáo của lãnh đạo 11 quận, huyện đang nằm trong danh sách “báo động đỏ” đều thể hiện sự vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Nguyên nhân dịch bệnh bùng phát có nhiều yếu tố do khách quan... Chẳng hạn như quận Hoàng Mai - đơn vị dẫn đầu về dịch bệnh sốt xuất huyết của thành phố với hơn 3.200 ca mắc, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Quang Hiếu cho rằng, toàn quận đã tổ chức 3 đợt ra quân cao điểm, sử dụng hơn 4 tỷ đồng chống dịch. Hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã có dấu hiệu chững lại, ghi nhận khoảng 40 ca mắc/ngày (trong khi trước đó là 70-80 ca/ngày). Khó khăn là do địa bàn rộng, dân cư đông, thời tiết mưa nhiều, công tác phun thuốc diệt muỗi phải mất 7-8 ngày mới hoàn thành xong được một phường. Theo kế hoạch, ngày 24-8, toàn bộ 14/14 phường phải hoàn thành phun hóa chất, song do trời mưa nên mới phun được 11/14 phường.
Tương tự, đại diện các quận Ba Đình, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Tây Hồ, Thanh Xuân đều chung quan điểm, khó khăn nhất trong công tác chống dịch hiện nay là ý thức của người dân chưa cao, sự vào cuộc của các đội xung kích diệt bọ gậy chưa hiệu quả. Tại quận Hà Đông - đơn vị đứng thứ 5 trong danh sách “báo động đỏ” với hơn 1.300 ca mắc, ông Vũ Ngọc Phụng, Chủ tịch UBND quận chia sẻ, chính vì nhiều hộ dân không phối hợp trong công tác chống dịch nên quận đã tăng cường các đội xung kích, nhóm cộng tác viên “vào từng ngõ, gõ từng nhà”. Thậm chí, quận còn áp dụng biện pháp mạnh, gia đình nào không hợp tác chống dịch sẽ bị phạt 500 nghìn đồng.
Đánh giá về tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, hiện Hà Nội đứng đầu cả nước về số ca mắc với tốc độ gia tăng và diễn biến phức tạp. Những tuần gần đây, dù số ca mắc có xu hướng chững lại, nhưng dịch mới đi ngang chứ chưa giảm. “Qua giám sát thực tế cho thấy, Hà Nội chỉ đạo quyết liệt và “nóng ở trên”, nhưng phía dưới quận, huyện chưa “nóng”, thậm chí tuyến xã, phường, thị trấn còn “bình chân”. Nếu cấp dưới không quyết liệt, thì không thể ngăn chặn được dịch” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Đề cập đến chất lượng hóa chất phun, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, 100% xã, phường, thị trấn đều có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Hiện hóa chất phun là loại mới, có tác dụng tốt nhất. Theo đánh giá của Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, khả năng diệt muỗi đạt 98%. Tuy nhiên, đây là hoá chất phun trong không gian, muỗi mang mầm bệnh khi bám phải hóa chất sẽ chết và chỉ có tác dụng trong 1 tiếng đồng hồ. Do vậy, phun hoá chất diệt muỗi chỉ là phần “ngọn”, còn biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy mới là cái “gốc”.
Tăng cường kiểm tra đột xuất
Để chủ động ngăn chặn, kiềm chế, không để dịch bệnh sốt xuất huyết lan rộng trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý một lần nữa quán triệt chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tại cuộc họp ngày 18-8. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở tiếp tục thực hiện nghiêm Văn bản chỉ đạo số 698-CV/TU ngày 31-7-2017 của Thành ủy, Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 11-7-2017 của UBND thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp phải xác định công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong thời gian tới. Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND thành phố về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, Chính phủ, Bộ Y tế, Thành uỷ Hà Nội, UBND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, hiện tình hình dịch đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, do năm nay, thời tiết diễn biến bất lợi, dịch sốt xuất huyết đến sớm, cộng với sự lưu hành thêm type mới (Dengue 4) so với các năm trước, cộng với công tác dự báo, nhận định tình hình, xác định yếu tố mới của dịch bệnh muộn, khiến dịch bệnh bùng phát. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, ca bệnh đầu tiên được phát hiện tháng 1-2017, đáng ra, từ sau Tết Âm lịch chúng ta đã phải vào cuộc. Thế nhưng, do dự báo, thông báo muộn nên công tác tuyên truyền, sự vào cuộc từ cấp cơ sở, diệt bọ gậy, phun thuốc đã diễn ra chậm, thậm chí có nơi chủ quan nên số ổ dịch tăng lên. Ngoài ra, việc phân loại khám, chữa bệnh khi người bệnh vào bệnh viện chưa thực hiện triệt để, khẩn trương ngay từ đầu nên xảy ra tình trạng quá tải. Sau khi Bộ Y tế chỉ đạo, giám đốc các bệnh viện mới phân loại bệnh nhân tốt hơn.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định, nguy cơ dịch lan rộng thời gian tới là hoàn toàn có thể, khi thời tiết diễn biến bất thường, cùng với đó, tháng 9 tới, có hơn 1,8 triệu học sinh, sinh viên nhập học. Vấn đề đáng lo ngại là học sinh đến trường đi qua các ổ dịch, nơi trọ của sinh viên không bảo đảm vệ sinh… Từ những đánh giá như vậy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh đến 5 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chống dịch thời gian tới, trong đó tập trung phun thuốc triệt để, tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền người dân diệt bọ gậy, tích cực vệ sinh môi trường… Còn về công tác điều trị, ngoài việc động viên các y, bác sĩ ở các bệnh viện, ở nơi xảy ra các ca tử vong cũng cần xác định nguyên nhân xem dịch bệnh có gì mới để có những biện pháp cho những năm tiếp theo. Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, chính quyền quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, thôn xóm, từng hộ dân cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành uỷ, UBND TP Hà Nội. Sau cuộc họp này, các đoàn kiểm tra tăng cường kiểm tra đột xuất, kiểm tra việc phòng, chống dịch có đúng theo chỉ đạo, công tác tuyên truyền có đến nơi đến chốn, người dân có thực hiện đúng hướng dẫn của ngành Y tế, kiểm tra chất lượng thuốc, việc pha thuốc phun có đúng tỷ lệ không…
Từ ngày 12-8 đến nay, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tiến hành phun hóa chất được hơn 53 nghìn hộ (đạt 86,5%), còn 13,5% hộ đi vắng hoặc không hợp tác; 1.759 trường học (đạt 66,2%); 1.555 công trường xây dựng, khu đất trống (đạt 87,1%); 560 đình chùa, nghĩa trang (đạt 19,6%). Theo đánh giá của Đoàn chuyên gia thuộc Bộ Y tế, việc phun hóa chất và diệt bọ gậy chưa được triệt để. Cụ thể, 10% số gia đình đóng cửa không tiếp cận được, 35% các hộ không chấp nhận phun hết các tầng, tỷ lệ hộ chỉ cho phun tầng 1 chiếm khoảng 50-60%. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.