Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm học mới và nỗi lo chưa cũ

Thống Nhất| 20/08/2014 06:23

(HNM) - Năm học đầu tiên triển khai chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, ngành GD-ĐT đang đứng trước trọng trách nặng nề.


Không có HS bỏ học vì thiếu sách

Năm học 2014-2015, cả nước có gần 20 triệu trẻ mầm non và HS phổ thông. Tổng hợp báo cáo sơ bộ của các địa phương cho thấy, các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy và học đã cơ bản hoàn tất. Việc tuyển dụng bổ sung giáo viên (GV) đang được các địa phương gấp rút triển khai nhằm bảo đảm cơ số GV theo định mức yêu cầu của từng cấp học. Trong đó, Hà Nội tuyển bổ sung hơn 6.000 GV; Yên Bái tuyển mới gần 1.900 GV, Đồng Nai thêm 1.200 GV... Với số lượng này, các địa phương cơ bản đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu GV.

Ngành giáo dục - đào tạo đang đứng trước trọng trách lớn trong công tác đổi mới căn bản, toàn diện.
Ảnh: Bá Hoạt


Thông tin từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, sách giáo khoa (GSK) và thiết bị dạy học cũng đã được cung ứng kịp thời, kể cả các trường học khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi khó khăn với mục tiêu được kiên trì thực hiện nhiều năm qua là không để một HS nào bỏ học vì thiếu SGK. Tại Hà Nội, hơn 6,5 triệu bản SGK đã được cung ứng đến các nhà trường vào trước ngày HS thành phố tựu trường. Giá SGK được giữ ổn định và niêm yết công khai cho từng khối lớp tại các cửa hàng, siêu thị sách của nhà xuất bản, hạn chế tình trạng đẩy giá để thu lợi. Như mọi năm, nhà xuất bản đã chỉ đạo các công ty sách - thiết bị trường học địa phương bán giảm giá SGK và các sản phẩm giáo dục trong hai tháng phát hành sách trước thềm năm học mới, mức giảm từ 5-10%, tùy theo điều kiện từng nơi, góp phần hỗ trợ phụ huynh trong việc chăm lo việc học cho con em.

Đồng hành cùng cuộc vận động "3 đủ" gồm đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở cho HS có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, trong hè vừa qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã ủng hộ quỹ "Cùng em đến trường" gần 3,5 tỷ đồng; chỉ đạo các địa phương tiếp tục vận động quyên góp SGK tặng bạn nghèo; bổ sung hàng trăm nghìn bản sách cho thư viện các trường học ở vùng khó khăn.

Rào cản từ phía đội ngũ giáo viên


Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả giáo dục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cũng là giải pháp cốt lõi được xác định trong kế hoạch hành động của ngành giáo dục (ban hành ngày 25-7-2014) triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ. Những điều chỉnh về hình thức tổ chức và cách thức ra đề trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 là tín hiệu khởi đầu cho lộ trình đổi mới, song cũng đặt ra đòi hỏi cấp thiết với các nhà trường trong việc đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả giáo dục theo mục tiêu giáo dục. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục thống nhất rằng: Việc điều chỉnh mục tiêu giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang hình thành năng lực, phẩm chất người học theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TƯ sẽ làm thay đổi nhiệm vụ của người dạy học. Phương thức giáo dục mới đòi hỏi đội ngũ những người làm thầy không chỉ cần truyền thụ cho HS kiến thức, mà nhiệm vụ chính của người thầy là tổ chức các hoạt động giáo dục, hướng dẫn HS tự học, tự khai thác, vận dụng kiến thức để hình thành năng lực, phẩm chất, kỹ năng và khả năng thích ứng với môi trường. Yêu cầu ấy đòi hỏi ngành giáo dục và mỗi nhà trường nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ những người trực tiếp làm công tác giảng dạy trong việc thực hiện thành công quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Thực tế, việc đổi mới phương pháp dạy học không phải là yêu cầu mới đối với đội ngũ GV, mà đã được phát động từ nhiều năm nay ở các nhà trường. Thế nhưng, vì nhiều lẽ, ở nhiều nơi, việc này mới chỉ được triển khai theo phong trào, hoặc với mức độ khuyến khích, động viên, chứ không là yêu cầu bắt buộc. Thế nên, có nơi GV tích cực tìm tòi, sáng tạo nhiều cách thức triển khai giờ dạy để lôi cuốn HS, nơi lại chểnh mảng, GV không mấy mặn mà.

Rào cản lớn nhất hiện nay trong việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học được xác định là thói quen "cầm tay chỉ việc", ngại thay đổi của nhiều GV. Đây là mối lo thường trực của các nhà trường khi đứng trước yêu cầu đổi mới. Tại hội thảo quốc tế gần đây về SGK, Giáo sư Đinh Quang Báo, Thường trực Ban soạn thảo chương trình và SGK mới sau năm 2015 đã bày tỏ sự lo lắng về tình trạng này và thừa nhận, việc thay đổi tư duy, phương pháp dạy học đã ăn sâu trong GV là điều khó, đòi hỏi phải có một lộ trình dài với những yêu cầu chuyển dịch tương ứng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Năm học mới và nỗi lo chưa cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.