(HNM) - Chủ động nắm chắc dư luận xã hội để định hướng kịp thời là việc làm quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Trong đó, sự tác động của mạng xã hội đã và đang đặt ra những khó khăn, thách thức cần giải quyết.
Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong xung quanh vấn đề này.
- Đồng chí có thể cho biết những khó khăn trong việc nắm bắt tình hình dư luận, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên hiện nay là gì?
- Cùng một vấn đề, có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ, việc nắm bắt dư luận xã hội ngày càng khó hơn; các thế lực phản động ráo riết tạo ra rất nhiều thông tin giả, thông tin nhiễu... Đơn cử như những ngày vừa qua, nhiều thông tin bịa đặt xung quanh vụ việc học sinh tử vong xảy ra tại Trường Tiểu học Gateway cho thấy điều đó.
- Vậy, hệ lụy ra sao nếu chúng ta không nắm chắc được dư luận xã hội, thưa đồng chí?
- Nếu không quan tâm đúng mức tới công tác dư luận xã hội, không nắm chắc được tình hình để có chủ trương, giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý xã hội. Nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội có một phần nguyên nhân do công tác này còn có mặt hạn chế nhất định. Có trường hợp vì không nắm chắc dư luận nên cơ quan quản lý đưa ra giải pháp không phù hợp, thậm chí còn làm tăng bức xúc trong nhân dân.
Ngược lại, khi chủ động nắm bắt chính xác, kịp thời dư luận xã hội, chúng ta sẽ có giải pháp phù hợp giúp ổn định tình hình. Đơn cử như khi một số tỉnh, thành phố để xảy ra mất an ninh trật tự trong thời điểm Quốc hội xem xét dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; hay sự cố môi trường biển ở một số tỉnh miền Trung, nhưng Hà Nội vẫn giữ vững ổn định. Đó là nhờ thành phố nắm bắt sớm tình hình, dự báo chính xác diễn biến tâm trạng xã hội và có giải pháp đồng bộ, toàn diện, kịp thời.
- Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ một trong những hạn chế là chúng ta chưa chủ động và thiếu giải pháp phù hợp để định hướng thông tin trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Vậy, Thành ủy Hà Nội đã khắc phục hạn chế này ra sao?
- Đây là vấn đề được Thành ủy rất quan tâm, đã chỉ đạo khắc phục thông qua việc đẩy mạnh đổi mới công tác nghiên cứu, nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội gắn với đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố.
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, song song với việc củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cộng tác viên, ngành Tuyên giáo thành phố chú trọng tăng cường phối hợp với các cơ quan, đoàn thể địa phương để nắm bắt dư luận xã hội. Đặc biệt, chúng tôi quán triệt rõ, không gian mạng là địa bàn quan trọng để cán bộ tuyên giáo tác nghiệp, từ đó tiến hành tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo tập trung thực hiện...
Không chỉ chú trọng nắm bắt thông tin một cách định tính, chúng tôi thường xuyên tổ chức điều tra, khảo sát để định lượng. Vừa bảo đảm chất lượng báo cáo hằng tuần, chúng tôi vừa chú trọng xây dựng các báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất khi có sự vụ nóng, mới phục vụ đắc lực công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Ban Tuyên giáo Thành ủy còn duy trì tổ chức hội nghị giao ban báo chí vào chiều thứ ba hằng tuần; thường xuyên phối hợp tổ chức cung cấp thông tin về các sự kiện, vụ việc dư luận quan tâm; tổ chức đối thoại tại hiện trường để cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề nóng; duy trì bản tin nội bộ hằng tháng cung cấp các thông tin định hướng cho cán bộ, đảng viên...
Trong quá trình thực hiện, nhiều đơn vị đã chủ động, sáng tạo như: Tổ chức làm dày thêm mạng lưới nắm bắt thông tin dư luận xã hội xuống tận tổ dân phố, thôn, làng; thiết lập các trang fanpage trên Facebook để cung cấp thông tin định hướng; huy động sức mạnh nhân dân tham gia phản bác luận điệu sai trái trên mạng xã hội với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”...
Các đồng chí lãnh đạo cấp ủy thường xuyên theo sát tình hình dư luận xã hội và có chỉ đạo xử lý ngay những vấn đề nóng, nổi cộm, qua đó phát huy hiệu quả cao từ kênh thông tin này. Có thể kể đến một số đơn vị rất tích cực như các quận, huyện: Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thường Tín; Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội...
Tuy nhiên, còn không ít đơn vị chưa quan tâm đúng mức, chưa thực sự coi trọng nhiệm vụ nắm bắt, định hướng dư luận trên mạng xã hội; nên kết quả thực hiện mờ nhạt, nhiều tình huống còn để bị động, bất ngờ.
- Hà Nội cùng cả nước đang chuẩn bị tổ chức đại hội đảng các cấp. Trong bối cảnh đó, công tác nắm bắt dư luận xã hội cần chú trọng những vấn đề gì, thưa đồng chí?
- Đó là cần có sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng. Trước đại hội đảng bộ các cấp thì càng cần quan tâm đến vấn đề này, vì đây là lúc các thế lực thù địch tiến hành hoạt động chống phá với cường độ cao, mức độ tinh vi, phức tạp; đặc biệt là trên mạng xã hội.
Do đó, người làm công tác dư luận xã hội cần đổi mới tư duy, xác định trọng tâm là tham mưu giải pháp. Cần tìm hiểu rõ vì sao có luồng dư luận không chính xác; từ đó tham mưu kịp thời biện pháp nhằm định hướng dư luận xã hội, để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng.
- Theo đồng chí, trước sự phức tạp của thông tin trên môi trường mạng như hiện nay, cán bộ, đảng viên và người dân nên chú ý điều gì?
- Tôi cho rằng, mỗi người cần trang bị cho mình một “bộ lọc” thông tin. Trước hết là luôn đặt câu hỏi rằng mình đang đọc, nghe, xem thông tin từ nguồn nào, có đáng tin cậy không?
Nếu thông tin đó không phải từ nguồn chính thống như trang thông tin chính thức của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí có uy tín trong nước... thì phải so sánh, kiểm chứng ngay. Tuyệt đối không chia sẻ, bình luận những thông tin thiếu kiểm chứng...
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.