Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm “bản lề” của trường nghề

Kim Vũ| 18/10/2016 06:58

(HNM) - Đó là đánh giá của các chuyên gia lao động khi các trường nghề khai giảng với số lượng thí sinh bằng, thậm chí là tăng so với nhiều năm trước. Một số hệ trung cấp cũng vượt chỉ tiêu đáng kể.


Chọn học nghề thay vì đại học

Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi có gần 890.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp, không xét tuyển đại học, cao đẳng. Con số này chiếm 32% tổng số học sinh dự thi. Đây chính là điểm cộng giúp các trường nghề thu hút học sinh. Nếu các mùa tuyển sinh trước, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề không tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí không có học sinh đăng ký, thì năm nay tình hình đã khởi sắc. Nhiều thí sinh đã nộp hồ sơ vào trường cao đẳng nghề từ tháng 8. Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, năm 2015 trường tuyển sinh được 2.025 học sinh, năm 2016 con số này là 2.390 học sinh. Điều đáng nói là nhiều thí sinh đạt trên điểm sàn xét tuyển vào đại học, thậm chí đạt trên 20 điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia cũng đăng ký học nghề. Vì vậy, trường sẽ kết thúc kỳ tuyển sinh sớm hơn kế hoạch. Ngành nghề mà các thí sinh chọn nhiều là ngành ô tô, điện, cơ khí, thiết kế đồ họa, công nghệ thông tin...

Một buổi học tại Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân. Ảnh: Thái Hiền


Em Lê Hoàng Chinh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, sau kỳ thi THPT quốc gia, em nộp hồ sơ đăng ký học nghề tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Mong muốn của em là học nghề thật tốt, nếu có cơ hội được dự thi các cuộc thi tay nghề của thành phố thì cũng đồng nghĩa với việc có cơ hội tìm việc làm và thu nhập cao.

Nâng cao chất lượng đào tạo


Tại sao lại có sự thay đổi nhanh chóng như vậy? Theo các chuyên gia lao động, thì đó là do sức ép từ tình trạng cử nhân ra trường thất nghiệp nhiều hoặc nhiều cử nhân bằng khá nhưng vẫn làm công việc phổ thông. Điều đáng mừng nhất theo ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB& XH) là vì đã có những biện pháp tích cực, những yêu cầu cấp bách đối với tuyển sinh nghề. Số lượng thí sinh đăng ký học nghề năm nay tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo trong năm 2016, kế hoạch tuyển sinh dạy nghề trong cả nước là 2,15 triệu người (năm 2015 là 2 triệu người), trong đó trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề là 250.000 người. Một trong những yêu cầu cấp bách được Bộ LĐ-TB&XH đặt ra là đào tạo nghề phải gắn với việc làm và thu nhập khi học sinh tốt nghiệp. Cụ thể là ký cam kết có việc làm sau khi ra trường, đào tạo theo địa chỉ, đặt hàng dạy nghề... Mặc dù công tác tuyển sinh còn nhiều khó khăn nhưng đã xuất hiện nhiều "điểm sáng" thu hút học sinh vào học nghề, đặc biệt là đào tạo gắn với nhu cầu xã hội. Đồng thời, có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa ba bên gồm cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề với đại diện giới chủ (VCCI) và cơ sở dạy nghề. Điều này bảo đảm cho các hoạt động của hệ thống dạy nghề hướng vào việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong khu công nghiệp nói riêng, cho thị trường lao động nói chung.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Cao Văn Sâm, người lao động hoàn toàn có thể yên tâm học nghề vì đã có các cơ quan đại diện pháp lý bảo vệ lợi ích hợp pháp. Điều này được thể hiện rõ bởi sự khởi sắc trong năm nay khi người lao động tự tin nộp hồ sơ, học nghề và có "đầu ra" bảo đảm ổn định cuộc sống. Cụ thể như Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội luôn có danh sách nhiều tập đoàn lớn, công ty sẵn sàng tuyển học sinh tốt nghiệp với vị trí việc làm tốt, mức lương tương xứng. Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh khẳng định trường là “nhịp cầu” nối nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp và trình độ, kỹ năng của người lao động. Từ nhiều năm nay, đại diện của các khu công nghiệp, chế xuất, các tập đoàn, công ty đã liên kết với nhà trường nhận sinh viên nghề tham gia sản xuất, làm việc tại đơn vị. Nhà trường cũng có bộ phận cung ứng nguồn nhân lực, là cầu nối doanh nghiệp với người lao động, bảo đảm "đầu ra" cho 100% sinh viên học nghề tại trường. Tương tự, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cũng cam kết với sinh viên, bảo đảm 100% sẽ có việc làm phù hợp trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp, mức lương khởi điểm ít nhất 5 triệu đồng/tháng. Hiện tại, trường đã xây dựng một mạng lưới liên kết với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ngành nghề khác nhau và trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng cho các doanh nghiệp. Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cũng áp dụng nhiều điểm mới, hướng đến cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích và chất lượng giáo dục toàn diện, giúp các em được tham gia các chương trình thực tế tại doanh nghiệp, chương trình tu nghiệp sinh kỹ thuật tại Nhật Bản, được tham gia chương trình trao đổi sinh viên với các trường từ Hàn Quốc, Singapore…

Có thể thấy đây là năm "bản lề" cho trường nghề bởi sự thay đổi tư duy, sự dịch chuyển từ đại học sang học nghề là rất lớn. Đại học giờ đây không phải là "cánh cửa" duy nhất của học sinh bởi các em còn nhiều sự lựa chọn thực tế hơn. Vì vậy, áp lực lại càng đè nặng lên vai các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Chất lượng đào tạo trong các trường cao đẳng, trung cấp nghề vì thế cũng cần tiếp tục được nâng lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm “bản lề” của trường nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.