(HNMO) - Chiều 20-1, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội và Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội tổng kết công tác xây dựng nông thôn mới và phát triển nông thôn năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
Năm 2021, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã tham mưu Thành ủy, UBND thành phố ban hành và thực hiện có hiệu quả Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".
Hiện, thành phố có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong số 6 huyện chưa đạt chuẩn, có 4 huyện đã được thành phố Hà Nội trình trung ương xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 2 huyện đang hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2022.
Thành phố cũng đã có 100% xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã của huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Cũng trong năm 2021, thành phố có 595 sản phẩm của 26 quận, huyện, thị xã tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), vượt kế hoạch thành phố giao (thành phố giao 400 sản phẩm). Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện livestream, diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP; tập huấn miễn phí về xúc tiến thương mại và bán hàng online cho các chủ thể, giúp chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được thông suốt.
Năm 2022, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố phấn đấu có thêm 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm OCOP.
Về công tác phát triển nông thôn, năm 2021, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục tham mưu thành phố xây dựng chính sách phát triển ngành nghề, làng nghề; triển khai nhiệm vụ hỗ trợ làng nghề. Kết quả, thành phố có thêm 5 làng nghề được công nhận danh hiệu "làng nghề, làng nghề truyền thống"; hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu trí tuệ; củng cố và phát triển các hợp tác xã, phát triển trang trại...
Năm 2022, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục thực hiện các chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ quảng bá, thương mại sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuỗi liên kết với trang trại, hợp tác xã, hộ nông dân... để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.