(HNMO) - Chiều 26-12, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì Họp báo cung cấp thông tin định kỳ của Bộ Nội vụ.
Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng - Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, năm 2022 là năm tập trung cao cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách của Bộ Nội vụ. Toàn ngành Nội vụ đã rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở tham mưu, đề xuất trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và Nhà nước, giữa Trung ương và địa phương.
Nổi bật là Bộ Nội vụ đã chủ trì xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư 3 văn bản, đề án; trình Chính phủ để trình Quốc hội khóa XV thông qua 2 luật và 4 nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 6 nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 8 nghị định và 2 nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 9 quyết định; Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành theo thẩm quyền 16 thông tư, 9 văn bản hợp nhất.
Bộ Nội vụ cũng đã tập trung thẩm định 26/26 dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đến nay đã có 21 nghị định được ban hành, còn 5 dự thảo nghị định tiếp tục hoàn thiện trình Chính phủ ban hành theo quy định.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối trung gian…
Trong năm 2022, ở bộ, ngành Trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương Tổng cục; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ. Ở địa phương, tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện.
Thực hiện các quy định của Chính phủ về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát, phê duyệt Đề án và tổ chức triển khai quyết liệt nhằm bảo đảm mục tiêu giảm ít nhất 10% đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của mình tự chủ về tài chính. Năm 2022, cả nước giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Riêng ở bộ, ngành Trung ương, đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành; ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện các quy định của Bộ Chính trị về quản lý biên chế. Đến nay, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP) ở các bộ, ngành, địa phương là 79.057 người (chiếm 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016-2021). Trong đó, các bộ, ngành là 5.510 người và địa phương là 73.547 người.
Thông tin về lĩnh vực cải cách hành chính, ông Vũ Đăng Minh cho biết, theo số liệu thống kê tính đến ngày 30-11-2022, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 657 quy định kinh doanh tại 73 văn bản quy phạm pháp luật; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện mức độ 4 đạt 98% (chiếm 55,7% tổng số thủ tục hành chính); 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống "một cửa", "một cửa" liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; việc triển khai kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước tại cấp tỉnh và cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt 97,45%; có 19/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố hoàn thành việc xây dựng, cập nhật kiến trúc chính phủ điện tử phù hợp với khung kiến trúc chính phủ điện tử 2.0; 53/63 địa phương thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin “một cửa điện tử”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.