Việc quy đổi điểm giữa các phương thức xét tuyển trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2025 đang là vấn đề gây tranh luận ở nhiều diễn đàn.
Năm nay, Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo phải quy đổi điểm tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức xét tuyển. Việc này nhằm bảo đảm công bằng giữa các phương thức xét tuyển và quyền lợi của thí sinh, hạn chế bất cập của các kỳ tuyển sinh trước.
Hạn chế sự thiếu công bằng giữa các phương thức xét tuyển
Ngày 19-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT. Thông tư chính thức áp dụng từ kỳ tuyển sinh năm 2025 - năm đầu tiên có lứa học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Những quy định trong Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến trước khi phê duyệt và cơ bản nhận được sự đồng tình, đặc biệt là có tác động trở lại với việc học tập ở cấp trung học phổ thông.
Theo phản hồi của nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội, việc bỏ xét tuyển sớm và điều chỉnh cách quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ giúp học sinh yên tâm tập trung hơn vào việc học. Các em không còn nhấp nhổm hoặc trông chờ kết quả trúng tuyển sớm như các năm trước.
Đến thời điểm này, vấn đề nóng được đề cập ở nhiều diễn đàn có phụ huynh học sinh lớp 12 là quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc các trường đại học phải xác định quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức xét tuyển.
Trước câu hỏi vì sao cần phải quy đổi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn lý giải, yêu cầu này xuất phát từ những bất cập của các năm trước khi các trường xét điểm chuẩn trúng tuyển theo chỉ tiêu. Trong khi thực tế cho thấy, việc phân chia chỉ tiêu giữa các phương thức hầu như khó có căn cứ. Do đó, Bộ phải đưa ra quy định chặt chẽ, không để các trường tự quyết điểm chuẩn theo từng phương thức xét tuyển.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, quy chế tuyển sinh mới không bắt buộc các trường phải quy đổi tương đương cho tất cả các phương thức xét tuyển, mà chỉ áp dụng trong phạm vi cùng một ngành hoặc chương trình đào tạo có nhiều phương thức xét tuyển. Tức là, với những ngành hoặc chương trình đào tạo chỉ sử dụng một phương thức tuyển sinh (chỉ dùng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc chỉ xét tuyển bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực/đánh giá tư duy...) thì các trường không cần thực hiện quy đổi.
Kỳ tuyển sinh năm nay có rất nhiều điểm mới đáng chú ý, như toàn hệ thống chính thức bỏ xét tuyển sớm; cơ sở đào tạo áp dụng phương thức xét tuyển học bạ phải dùng điểm cả 6 học kỳ, tức là bao gồm điểm của cả năm học lớp 12, thay vì chỉ dùng điểm của 5 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12) như các năm trước. Việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ cũng có thay đổi so với năm trước khi không còn được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông nữa.
Không áp đặt một công thức quy đổi
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục tiêu chính của việc quy đổi là để đánh giá năng lực thí sinh một cách công bằng giữa các phương thức xét tuyển, tuy nhiên không thể áp dụng một công thức quy đổi điểm chung cho tất cả các ngành và tất cả các trường.
Hiện nay, các cơ sở đào tạo trên cả nước có hàng nghìn ngành, chương trình đào tạo. Mỗi ngành đào tạo lại có tính đặc thù riêng, vì vậy, Bộ không áp đặt một công thức quy đổi cứng nhắc mà chỉ đưa ra một khung quy đổi điểm phổ biến, bao gồm các tiêu chí cơ bản như: Điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực/đánh giá tư duy… Trên cơ sở này, các trường điều chỉnh mức quy đổi phù hợp với đặc thù của từng ngành, từng trường.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, để việc quy đổi bảo đảm khoa học, Bộ đề xuất các trường có thể kiểm chứng lại mức quy đổi điểm bằng kết quả học tập của sinh viên. Theo đó, các trường đánh giá kết quả học tập của sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai để kiểm tra xem các nhóm sinh viên trúng tuyển theo các phương thức khác nhau có sự tương quan về năng lực hay không.
Nếu một phương thức xét tuyển có điểm chuẩn thấp hơn, nhưng sinh viên lại có kết quả học tập tốt hơn hoặc ngược lại, điểm chuẩn cao hơn, nhưng sinh viên học yếu hơn thì có thể có sự chưa hợp lý trong cách quy đổi điểm. Dựa trên những dữ liệu này, các trường có thể điều chỉnh mức quy đổi điểm để phù hợp hơn với thực tế.
Trước ý kiến cho rằng việc yêu cầu quy đổi điểm tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức xét tuyển là ảnh hưởng đến quyền tự chủ tuyển sinh của các trường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, mọi quyết định tuyển sinh đều phải tuân thủ quy định của Luật Giáo dục đại học, trong đó có nguyên tắc về độ tin cậy và công bằng. Các trường có quyền quyết định phương thức xét tuyển, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng dẫn việc quy đổi điểm để bảo đảm rằng các phương thức xét tuyển trong cùng một ngành có sự tương đồng về đánh giá năng lực thí sinh.
Dự kiến, từ ngày 16-7 đến 17h ngày 28-7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học không giới hạn số lần bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Các nguyện vọng của thí sinh vào tất cả các cơ sở đào tạo được xếp thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất. Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.