Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, do tác động của El Nino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương nên thiên tai trong năm 2019 tiếp tục có diễn biến phức tạp, mùa bão đến muộn, trong khi nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm ở các khu vực trên toàn quốc, mưa trái mùa xuất hiện cục bộ.
Mưa trái mùa cục bộ có thế xuất hiện sớm tại Nam Bộ. (Nguồn ảnh: Vietnam+) |
Nắng nóng xuất hiện sớm
Năm 2019, do tác động của hiện tượng El Nino nên thiên tai tiếp tục có diễn biến phức tạp. Hiện tượng ENSO, tên gọi tắt của hai hiện tượng El Nino và La Nina (hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương) được dự báo nhiều khả năng sẽ duy trì trạng thái El Nino trong nửa đầu năm 2019 với xác suất 80-90%.
Nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm. Từ nay đến ngày 10-2, có khả năng xảy ra từ 3-5 đợt không khí lạnh. Rét đậm, rét hại có thể xảy ra vào những ngày cuối tháng Một, đầu tháng Hai, nhưng không kéo dài.
Các đợt rét đậm, rét hại có thể kéo dài từ 4-7 ngày tập trung trong tháng Một. Sang tháng Hai, hiện tượng rét đậm, rét hại sẽ ít hơn trung bình nhiều năm.
Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm ở các khu vực trên toàn quốc.
Nhiệt độ trung bình từ tháng Hai đến tháng Sáu, trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5-1 độ C.
Riêng tháng Hai, tháng Ba, tại khu vực Bắc Bộ có khả năng cao hơn từ 1-2 độ C so với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm tại các khu vực phía Tây Bắc Bộ và Trung Bộ. (Nguồn ảnh: Vietnam+) |
Số lượng cơn bão ít nhưng dị thường
Dưới tác động của El Nino nhiều khả năng bão và áp thấp nhiệt đới sẽ xuất hiện trên khu vực Biển Đông có xu hướng muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Số lượng cơn bão ít hơn nhưng cường độ mạnh và dị thường hơn, số lượng trận mưa lớn không nhiều nhưng khốc liệt hơn năm 2018.
Trong tháng Hai, dải áp thấp xích đạo ở phía Nam Biển Đông tiếp tục có xu hướng hoạt động mạnh, có thể tác động đến thời tiết các tỉnh phía nam nước ta và gây ra mưa trái mùa cục bộ tại khu vực Nam Bộ.
Trên các khu vực ven biển và các vùng biển khu vực Bắc và giữa Biển Đông trong tháng Hai và tháng Ba tiếp tục xuất hiện gió mạnh do hoạt động của gió mùa Đông Bắc.
Trong khoảng thời gian này cần đề phòng hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá của thời kỳ giao mùa trong tháng Tư và tháng Năm.
Mưa trái mùa xuất hiện cục bộ
Trong tháng Hai và tháng Ba, tại khu vực phía Đông Bắc Bộ có khả năng sẽ xuất hiện nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tổng lượng mưa từ tháng Hai đến tháng Sáu tại khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trong khi, tại khu vực Trung Bộ, tổng lượng mưa trong tháng Hai phổ biến ở mức cao hơn so với giá trị trung bình nhiều năm từ 15-30%. Từ tháng Ba đến tháng Sáu, tổng lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 15-30%, riêng Bắc Trung Bộ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, tổng lượng mưa trong tháng Hai phổ biến ở mức cao hơn so với giá trị trung bình nhiều năm, khả năng xuất hiện mưa trái mùa cục bộ trong thời điểm tháng Hai tại khu vực Nam Bộ.
Tuy nhiên, từ tháng Ba đến tháng Năm, tổng lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn so với giá trị trung bình nhiều năm. Tháng Sáu, tổng lượng mưa trên khu vực phổ biến ở mức xấp xỉ với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Các địa phương ở khu vực đồng bằng Nam Bộ cần chủ động trong công tác phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn. (Nguồn ảnh: Vietnam+) |
Đề phòng khô hạn, xâm nhập mặn
Từ nửa cuối tháng Một đến tháng Tư, nguồn nước so với trung bình nhiều năm khu vực Tây Bắc phổ biến ở mức cao hơn từ 5-30%; khu vực Đông Bắc thiếu hụt từ 10-30%; khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm trong tháng Một, tháng Hai; tuy nhiên từ tháng Ba, tháng Tư lại thiếu hụt từ 30-40%.
Mực nước thấp nhất trên sông Hồng trong tháng Hai, tháng Ba, có khả năng ở mức 0,3-0,4m. Tình hình thiếu nước, khô hạn cục bộ có khả năng xảy ra tại một số tỉnh khu vực Đông Bắc vào đầu mùa khô.
Tương tự, tại khu vực Bắc Trung Bộ, từ nửa cuối tháng Một đến tháng Ba, dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10-30%; các sông ở Nghệ An thấp hơn từ 50-60%; các sông ở Hà Tĩnh thấp hơn từ 30-35%.
Khu vực Trung Trung Bộ, từ nửa cuối tháng Một đến tháng Ba, lượng dòng chảy trên các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế ở mức thấp hơn từ 20-50% so với trung bình nhiều năm; các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-25%.
Tại Tây Nguyên, từ nửa cuối tháng Một đến tháng Ba, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn từ 10-40% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Tình hình khô hạn, thiếu nước cục bộ khả năng xảy ra tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên từ tháng Tư đến tháng Sáu.
Riêng Nam Bộ, từ cuối tháng Một đến tháng Ba, mực nước sông Cửu Long xuống dần và ở cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,15-0,3m. Từ tháng Tư đến tháng Sáu, mực nước sông Cửu Long xuống dần ở mức thấp nhất vào tháng Năm, sau đó sẽ lên dần vào tháng Sáu và ở cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,2m.
Xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ ở mức tương đương trung bình nhiều năm và ở mức cao hơn năm 2017-2018. Độ mặn cao nhất trên các sông ở Nam Bộ phổ biến xuất hiện vào tháng Ba, riêng hệ thống sông Vàm Cỏ và vùng bán đảo Cà Mau-Kiên Giang độ mặn cao nhất xuất hiện vào tháng Tư, tháng Năm.
Vì thế, các địa phương ở khu vực Đồng bằng Nam Bộ cần chủ động trong công tác phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.