EVN cho biết, Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016, Công ty mẹ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lãi 115 tỷ. Báo cáo hợp nhất của EVN, bao gồm: Công ty mẹ EVN và 9 Tổng Công ty: 3 Tổng Công ty phát điện, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và 5 Tổng Công ty điện lực lỗ hơn 700 tỷ.
Một trong hai nguyên nhân chính dẫn đến 6 tháng đầu năm Báo cáo hợp nhất của EVN bị lỗ. Đó là do 6 tháng đầu năm là mùa khô, EVN phải phát tăng và mua tăng các nguồn điện chạy dầu cũng như than, khí. Thủy điện phát sản lượng thấp nên chi phí giá thành sản xuất điện 6 tháng đầu năm tăng lên.
Năm 2016, đặc biệt là các tháng mùa khô, EVN đã tính toán và cân bằng, việc cung cấp điện cho miền Nam là tương đối khó khăn, bởi nước các hồ thấp.
Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, cuối năm 2015, các hồ thuỷ điện không tích được đầy hồ, sản lượng điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường là 3,22 tỷ kWh. Tổng lượng nước các hồ thuỷ điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng 6,494 tỷ m3, trong đó miền Bắc thiếu hụt 2,293 tỷ m3, miền Trung thiếu hụt 2,091 tỷ m3 và miền Nam thiếu 2,110 tỷ m3.
Tình hình khô hạn, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino có cường độ mạnh và kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua gây thiếu nước về ở hầu hết các hồ chứa thuỷ điện và thuỷ lợi, trong khi nhu cầu điện tiếp tục tăng trưởng ở mức cao.
Cơ cấu sản lượng các loại nguồn điện mùa khô năm 2016 ứng với phương án điện thương phẩm tăng 11,4%, đạt 159,4 tỷ kWh, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tăng 12,08% đạt 182,622 tỷ kWh.
Trên cơ sở tính toán cung cầu điện, trong 6 tháng đầu năm, EVN đã cung cấp đủ điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân mà không phải tiết giảm phụ tải, sẵn sàng đáp ứng cả trong điều kiện sản lượng điện tăng cao hơn so với kế hoạch Bộ Công Thương phê duyệt.
Để đảm bảo điện cho miền Nam, EVN đã huy động tối đa các tổ máy tua bin khí, nhiệt điện than miền Nam, và truyền tải trên các đường dây 500 kV Bắc - Nam luôn ở mức cao. Trước đó, năm 2015, EVN đã đưa vào vận hành 2 nhà máy lớn: Duyên Hải 1 công suất 1.200 MW và Vĩnh Tân 2, công suất 1200 MW. Những nhà máy này hỗ trợ vào việc đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam.
Để đảm bảo điện mùa khô và cả năm 2016, ngoài 7 giải pháp chủ động thực hiện, EVN đã phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để đáp ứng đủ nguồn nhiên liệu than, khí cho phát điện và với các công ty phát điện thành viên của TKV, PVN, các đơn vị phát điện khác để đảm bảo nguồn phát điện.
Sáu tháng đầu năm 2016, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 84,75 tỷ kWh, tăng 10,75% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, sản lượng điện thương phẩm đạt 76,44 tỷ kWh, tăng 11,73% so với cùng kỳ. Để đảm bảo cung cấp điện ổn định cho miền Nam nói riêng và đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế nói chung, EVN đã phải huy động cao các nhà máy nhiệt điện than, tuabin khí ở miền Nam.
Từ tháng 7, EVN có những thuận lợi nhất định khi thời tiết bước vào mùa mưa, nền nhiệt độ giảm, xu hướng truyền tải từ miền Bắc vào miền Trung và từ miền Trung vào miền Nam không căng thẳng như 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, các hồ thủy điện khai thác hiệu quả nguồn nước trong mùa lũ.
Nguyên nhân thứ 2 là chênh lệch tỷ giá 6 tháng đầu năm phát sinh hơn 6 nghìn tỷ làm cho lỗ tổng hợp báo cáo tài chính hợp nhất của EVN bị lỗ hơn 700 tỷ. Khoản lỗ này tập trung chủ yếu ở các Tổng Công ty phát điện. Bởi giá điện theo quy định của Thông tư 56 chỉ được điều chỉnh theo tỷ giá khi cuối năm quyết toán Bộ Công Thương sẽ xem xét và điều chỉnh.
Tuy nhiên, vào thời điểm 9 tháng đầu năm, Công ty mẹ EVN đã lãi hơn 1 nghìn tỷ, hợp nhất của Tập đoàn sẽ cao hơn con số đó, cho thấy tình hình tài chính 9 tháng khả quan hơn do từ tháng 7 sản lượng thủy điện tăng, phát dầu giảm, đồng thời cũng giảm mua điện các nhà máy có giá bán điện cao. Bên cạnh đó, phát điện từ các nhà máy Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu cao hơn so với dự kiến.
Theo EVN, lỗ 6 tháng đầu năm là lỗ hạch toán của nửa năm. Khi báo cáo quyết toán tài chính năm 2016. Ước tính năm 2016 Công ty mẹ Tập đoàn EVN sẽ lãi từ 650 – 700 tỷ đồng và toàn bộ Tập đoàn sẽ lãi khoảng từ 2-3 nghìn tỷ. Do vậy, tài chính của EVN không ảnh hưởng gì và đến nay các chỉ số tài chính của EVN đang rất tốt. EVN đã tái cơ cấu lại các khoản vay cũng như thoái vốn toàn bộ theo chỉ đạo của Chính phủ trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, với khoản thu về hơn 2 nghìn tỷ đồng. EVN đã dùng số tiền đó đầu tư vào các dự án điện.
Riêng tháng 10-2016, EVN đã khởi công 17 công trình, hoàn thành đóng điện 17 công trình từ 110kV đến 500kV. Trong đó, các công trình trọng điểm như: đấu nối mạch 2 đường dây 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa, trạm biến áp 220kV Ngũ Hành Sơn và đấu nối, trạm biến áp 110kV Vân Trung, nâng công suất trạm biến áp 110kV Song Khê... Lũy kế 10 tháng đầu năm 2016, đã khởi công 172 công trình và đóng điện 194 công trình từ 110kV đến 500kV; khởi công Dự án Cấp điện nông thôn tại tỉnh Khánh Hòa (thuộc Chương trình Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 được cấp vốn ngân sách năm 2016), với tổng giá trị đầu tư xây dựng toàn Tập đoàn trong 10 tháng năm 2016 đạt 106.682 tỷ đồng (bằng 80,5% kế hoạch), giá trị giải ngân đạt 89.707 tỷ đồng (bằng 67,68% kế hoạch).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.