Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm 2015: Dấu ấn hội nhập “3 trong 1”

Hồng Sơn| 31/12/2014 07:12

(HNM) - 2015 sẽ là năm đánh dấu sự hội nhập quốc tế của Việt Nam với kinh tế toàn cầu thông qua việc tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA).



Đây sẽ là một năm "3 trong 1", cho thấy chủ trương hội nhập của Việt Nam đang được đẩy mạnh, tạo điều kiện để nền kinh tế chủ động tham gia vào thị trường thế giới thông qua việc mở rộng quy mô xuất khẩu (XK)…

Cơ hội lớn

AEC là một khu vực kinh tế năng động, có năng lực cạnh tranh ngày càng cao. Tham gia vào AEC, doanh nghiệp (DN) Việt sẽ tận dụng môi trường và vị thế của AEC là đối tác quan trọng của các cường quốc như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản để XK hàng hóa với thuế suất thấp. Mặt khác, AEC cũng được đánh giá là giàu tiềm năng, với thị trường hơn 500 triệu dân, có thu nhập bình quân ngày càng cải thiện. Đặc biệt, Việt Nam có vị trí địa lý nằm ở trung tâm của các tuyến vận tải, giao thương toàn cầu cũng là lợi thế để hàng Việt hạ giá thành khi xuất khẩu sang các nước.

Hàng dệt may đang có lợi thế xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: Linh Ngọc


Những ngày cuối năm 2014 vừa chứng kiến việc kết thúc quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan; trong đó đề nghị của Việt Nam nhằm thúc đẩy XK dệt may, giày dép, thủy sản và một số sản phẩm chế biến khác sang các thị trường này đã được chấp thuận. Cụ thể, khi hiệp định có hiệu lực, ít nhất 80% hàng hóa Việt Nam vào thị trường trên sẽ được miễn thuế, thay thế cho mức thuế cao như hiện nay. Riêng Nga cam kết dành mức thuế suất ưu đãi nhất, có thể nói là bằng 0%, cho toàn bộ các sản phẩm thủy sản, giày dép, phần lớn sản phẩm dệt may và một số sản phẩm công nghiệp chế biến như đồ gỗ, cà phê, chè… Đây là thời cơ rất lớn, đối với các DN thuộc những lĩnh vực trên - vốn cũng là những mặt hàng XK chủ lực của ta. Bộ Công thương dự báo, kim ngạch XK của Việt Nam sang Nga có thể tăng 63%, Belarus tăng 41% và Kazakhstan tăng 8%. Hiện số lượng đoàn DN Nga, Belarus chủ động tìm đến các nhà nhập khẩu Việt Nam ngày càng gia tăng. Một tín hiệu đáng mừng là Cục Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) vừa dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản vào thị trường Nga và Liên minh Hải quan đối với 7 DN chế biến thủy sản Việt Nam. Động thái này mở đường cho thủy sản Việt Nam tăng nhanh về sản lượng và giá trị XK sang các nước này.

Cuối cùng là TPP, gồm 12 quốc gia thành viên cũng đang được trông đợi sẽ hình thành vào năm 2015, với quy mô chiếm tới 40% tổng GDP toàn cầu - là khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới. Các chuyên gia nhận định, Việt Nam là một trong vài nước được hưởng lợi nhiều vì mục tiêu lớn nhất của tổ chức này là giảm thuế và xóa bỏ các rào cản thương mại. Cụ thể, khi các dòng thuế giảm xuống cũng đồng nghĩa với việc DN ta sẽ gia tăng XK sang thị trường 11 nước thành viên, trong đó có các thị trường lớn, sức mua cao và ổn định như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada. Đặc biệt, hàng dệt may, giày dép Việt Nam sẽ rộng đường vào thị trường Hoa Kỳ, với những lợi thế và ưu đãi về thuế; từ đó càng tăng sức cạnh tranh so với hàng của các nước ngoài TPP. Trên thực tế, từ 2 năm qua, các DN Việt đã mở rộng khả năng liên kết trong các công đoạn sản xuất, sử dụng nguồn nguyên, phụ liệu trong nước để đáp ứng yêu cầu XK vào các đối tác thuộc TPP. Đáng lưu ý, cơ cấu sản phẩm của các nước thành viên TPP luôn có đặc điểm mang tính bổ sung cho Việt Nam nhiều hơn là cạnh tranh. Vì vậy, TPP chắc chắn sẽ mang lại nhiều thuận lợi hơn là khó khăn.

Thách thức không nhỏ

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, cần có cách tiếp cận đầy đủ khi muốn đẩy mạnh XK trong khuôn khổ TPP. Trước hết, DN Việt Nam phải bảo đảm và chứng minh được yêu cầu của quy tắc xuất xứ hàng hóa. Đến nay, đây vẫn là điểm yếu của ngành dệt may, bởi lẽ nguồn nguyên, phụ liệu trong nước chưa đủ về số lượng hoặc chủng loại để đáp ứng nhu cầu sử dụng của DN làm hàng XK. Tiếp theo, một số mặt hàng khác cũng có thể phải chịu tác động tiêu cực, nhất là đối với ô tô do Hoa Kỳ hoặc Nhật Bản sản xuất - với lợi thế giá phải chăng và công nghệ cao người tiêu dùng Việt Nam đang ưa chuộng. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản mang tính "đặc chủng" của Hoa Kỳ hoặc Australia gồm: Thịt bò, gà và các loại chế phẩm liên quan cũng sẽ có cơ hội vào thị trường Việt Nam và sẽ chiếm thị phần nhất định bởi đáp ứng được khẩu vị của một bộ phận giới trẻ tại đô thị.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, DN Việt cần thực hiện nghiêm những quy định về chất lượng và an toàn sử dụng đối với người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu. Thực tế cho thấy, đến nay vẫn còn một số đơn vị còn nặng tâm lý chỉ tận dụng thời cơ để XK nhưng lại chưa quan tâm thỏa đáng đến vấn đề tạo dựng thương hiệu, coi trọng chữ tín trong quan hệ với đối tác. Đó là nguy cơ tiềm ẩn hậu quả tiêu cực do nguyên nhân chủ quan của chính DN nội. Thiết nghĩ, rất cần có sự vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ DN về thông tin thị trường, quy định của pháp luật, thị hiếu cũng như văn hóa tiêu dùng tại các thị trường, nhất là đối với thị trường mới. Ngoài ra, do các DN Nga là nhà sản xuất nổi tiếng của các loại xe tải nặng, thiết bị phục vụ ngành khai thác mỏ, thiết bị điện… nên sẽ tạo ra những áp lực nhất định cho các DN Việt Nam hoạt động trong cùng lĩnh vực.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, điều quan trọng là DN phải hiểu và biết tận dụng, khai thác những ưu đãi mà các hiệp định mang lại. Ưu đãi sẽ không thể tự phát huy tác dụng nếu DN nội không củng cố sức cạnh tranh, thậm chí còn có thể bị "thua" ngay trên "sân nhà"…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Năm 2015: Dấu ấn hội nhập “3 trong 1”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.