(HNMO)-Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã chia sẻ với báo giới về định hướng điều hành năm 2012, trong đó Thống đốc cho biết, năm nay sẽ xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém...
(HNMO)-Nhân dịp đầu xuân Nhâm Thìn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã chia sẻ với báo giới về định hướng điều hành năm 2012, trong đó Thống đốc cho biết, năm nay sẽ xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém; lãi suất huy động sẽ được đưa về mức khoảng 10% nếu như lạm phát xuống 8-8,5%.
-Thưa Thống đốc, trong năm 2011 vừa qua, ngành Ngân hàng đã đạt được những thành tựu gì?
Tôi có thể khẳng định rằng, năm 2011 là năm mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam đã góp phần hết sức quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu và định hướng chính sách của Chính phủ, nhất là trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Như chúng ta đã biết, năm vừa qua, tăng trưởng tín dụng của hệ thống Ngân hàng ở mức rất thấp, thấp nhất trong vòng 20 năm đổi mới. Nhờ tăng trưởng tín dụng thấp như vậy, hệ thống Ngân hàng đã góp phần kiềm chế lạm phát. Cụ thể, tốc độ lạm phát đã giảm xuống từ tháng 8/2011 và lạm phát cả năm được kiểm soát ở mức 18,58%.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng đã góp phần vào việc đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác ở mức tương đối ổn định và tốt hơn nhiều so với những năm trước đây, trong đó có việc giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán tổng thể. Năm 2011, nhập siêu của nước ta chỉ ở mức trên 10%. So với chỉ tiêu đặt ra là 16% thì đó là một thắng lợi rất lớn. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối nhà nước cũng tăng lên và thặng dư cán cân thanh toán tổng thể được nâng lên mức khoảng 2,5 tỷ USD. Đặc biệt, với việc hướng tín dụng ngân hàng vào các lĩnh vực sản xuất thiết yếu của nền kinh tế như phát triển nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu… nên mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng ở mức 6%. Đó là một mức tăng trưởng rất đáng khích lệ so với các nước trong khu vực và thế giới.
-Có thể nói, ổn định tỷ giá là một điểm sáng trong năm 2011. Vậy trong năm 2012, NHNN có những giải pháp nào để tiếp tục duy trì sự ổn định này, thưa Thống đốc?NHNN sẽ có các giải pháp và công cụ thích hợp để thực hiện được mục tiêu đề ra. Những kết quả đạt được trong năm 2011 là một minh chứng cho thấy, nếu phối hợp một cách đồng bộ, quyết liệt các công cụ của chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác thì chúng ta có thể ổn định được tỷ giá.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012. Về cơ bản, Nghị quyết số 01 có nhiều nét tương đồng với Nghị quyết số 11 ban hành trong năm 2011. Do đó, những kết quả đáng khích lệ đạt được trong năm 2011 là tiền đề để chúng ta tin tưởng rằng, chúng ta sẽ đạt được những kết quả như vậy trong năm 2012. Nếu không có cú sốc đột biến từ bên ngoài và với việc triển khai quyết liệt các chính sách theo Nghị quyết 01 của Chính phủ thì chúng ta có thể giữ ổn định thị trường ngoại hối, mức biến động hay phá giá của đồng Việt Nam không quá 2-3%.
-Thống đốc có thể nói ngắn gọn về bức tranh ngân hàng năm 2012? Năm 2012 sẽ tiếp tục là một năm đầy thử thách-một năm mà hệ thống Ngân hàng phải hết sức cố gắng để không những góp phần vượt qua khó khăn chung của nền kinh tế mà còn giải quyết được vấn đề nội tại của hệ thống Ngân hàng. Để làm được hai việc đó, ngành Ngân hàng phải có những giải pháp hết sức quyết liệt, đồng thời phải có sự đồng nhất, chia sẻ của cả NHNN và các TCTD.
-Có ý kiến cho rằng, tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng được ví như là sửa một cỗ xe đang vận hành. Vậy làm thế nào để vừa vận hành tốt, vừa tái cơ cấu được hệ thống Ngân hàng? Định hướng tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng sẽ như thế nào trong năm 2012, thưa Thống đốc?Tất nhiên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Tuy vậy, chúng ta cũng không nên đặt vấn đề tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng một cách quá nặng nề mà nên hiểu rằng, đó là quá trình tự hoàn thiện của bất kỳ một thực thể nào. Bản thân cá nhân mỗi con người cũng vậy. Chúng ta vừa phải sống, đồng thời phải luôn luôn hoàn thiện mình để phù hợp với nhiệm vụ đặt ra trong từng giai đoạn. Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong giai đoạn vừa qua, nhưng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, thì hệ thống Ngân hàng phải đổi mới, chỉnh sửa để tiếp tục hoàn thiện.
|
Thống đốc: "Lãi suất huy động sẽ về mức khoảng 10% nếu lạm phát xuống 8-8,5%" |
Tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng Việt Nam là một quá trình lâu dài, nhưng trong năm 2012, mục tiêu của chúng tôi hết sức ngắn gọn. Một là đảm bảo thanh khoản của TCTD. Hai là xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém, các TCTD có tình hình tài chính không lành mạnh, đảm bảo ổn định chung của hệ thống các TCTD Việt Nam, góp phần tăng trưởng bền vững trong năm 2012.
-Vấn đề lo ngại lớn nhất trong điều hành của NHNN là việc giảm lãi suất-Thống đốc đã từng chia sẻ như vậy. Xin Thống đốc cho biết lộ trình giảm lãi suất năm nay?
Lãi suất ngân hàng là vấn đề rất có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội năm 2012. Không chỉ Chính phủ, NHNN mà đông đảo người dân, doanh nghiệp cũng hết sức quan tâm đến vấn đề này.
Hiện nay, đã có những tiền đề và nền tảng nhất định cho việc giảm lãi suất. Cụ thể, từ tháng 8/2011 trở lại đây, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có chiều hướng giảm dần và đều ở mức dưới 1%, tạo nền tảng cho kỳ vọng giảm lạm phát trong thời gian tới. Bên cạnh đó, NHNN đang tập trung vào việc xử lý thanh khoản của các TCTD và nếu xử lý tốt vấn đề này sẽ tạo thêm tiền đề vững chắc hơn cho việc giảm lãi suất trong năm 2012. Mục tiêu của Chính phủ năm 2012 là kiềm chế lạm phát ở mức một con số, cụ thể định hướng lạm phát sẽ ở mức 9-9,5%. Nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ tiền tệ quốc tế đã đánh giá, nếu Việt Nam duy trì các giải pháp quyết liệt như trong năm 2011 thì lạm phát ở Việt Nam năm 2012 sẽ ở mức 8-8,5%. Nếu mục tiêu lạm phát đó đạt được vào cuối năm 2012 thì hệ thống ngân hàng có khả năng để giảm mặt bằng lãi suất huy động xuống mức khoảng 10%/năm.
Với mục tiêu như vậy thì trong năm 2012, mức lãi suất sẽ được giảm dần theo các tín hiệu thị trường như đã nói ở trên, tức là lãi suất giảm khi mức độ lạm phát giảm và vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện.