Ngày 27-1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tạm dừng phê duyệt các đơn đăng ký xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới.
Đây là động thái được các nhà hoạt động khí hậu hoan nghênh và có thể làm trì hoãn các quyết định xây dựng nhà máy LNG mới cho đến sau cuộc bầu cử ngày 5-11.
Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) sẽ đánh giá nhằm xem xét các tác động kinh tế, môi trường của các dự án xin phê duyệt xuất khẩu LNG sang châu Âu và châu Á trong thời gian tạm dừng.
Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo rằng, việc xem xét sẽ diễn ra trong một vài tháng và sau đó sẽ được đưa ra lấy ý kiến công chúng. Điều này sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Mỹ cam kết việc tạm dừng sẽ không gây tổn hại cho các quốc gia đồng minh châu Âu. Trong trường hợp Liên minh châu Âu (EU) cần khí đốt, Mỹ vẫn có thể cung cấp theo điều khoản miễn trừ vì an ninh quốc gia.
Kể từ khi ngừng mua khí đốt từ Nga, hiện, các công ty và quốc gia châu Âu đang phụ thuộc vào nguồn cung cấp LNG từ Mỹ, quốc gia đã trở thành nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới vào năm 2023.
Theo thống kê, xuất khẩu LNG của Mỹ đã tăng khoảng 31 tỷ feet mỗi tháng (8,7%) kể từ tháng 1-2022, điều này đã giúp châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và giảm giá khí đốt toàn cầu. Nếu không có LNG của Mỹ, sự ủng hộ chính trị ở châu Âu dành cho Ukraine có thể đã giảm sút khi người dân ở lục địa này dao động vì giá năng lượng leo thang.
Nếu các dự án LNG mới của Mỹ bị chặn, châu Âu và châu Á sẽ phải nhập khẩu khí đốt từ nơi khác để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Tuy nhiên, tổ chức vận động hành lang về khí hậu ở Mỹ cho biết các dự án LNG mới sẽ tạo ra lượng khí thải CO2 cao hơn trong nhiều thập kỷ.
Theo các hãng tin Mỹ, việc tạm dừng phê duyệt các đơn đăng ký xuất khẩu LNG được Tổng thống Mỹ được xem là một động thái thu hút sự ủng hộ của các nhà vận động hành lang về chống biến đổi khí hậu trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.