(HNM) - Với nỗ lực thuyết phục vận động kiên trì trong nhiều tháng qua kể từ khi các cổ đông nhất trí, ngày 12-11, Bộ Tư pháp Mỹ đã chấp thuận thỏa thuận sáp nhập trị giá 11 tỷ USD giữa hai hãng hàng không dân dụng Mỹ là American Airlines và US Airways, lập ra hãng hàng không dân dụng lớn nhất thế giới có tên gọi American Airlines (AA).
Như vậy, việc sáp nhập giữa hai hãng hàng không này chỉ còn phải chờ phán quyết của một thẩm phán liên bang khu vực thủ đô Washington và không cần phải tiến hành phiên tòa dự kiến tổ chức vào ngày 25-11 tới.
Thực tế, các cổ đông của American Airlines và US Airways đồng ý sáp nhập với nhau từ đầu năm 2013. Tuy nhiên, ngày 13-8-2013, Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn lên tòa án liên bang yêu cầu ngưng vụ sáp nhập này vì lo ngại việc sáp nhập sẽ làm tăng giá vé máy bay và lệ phí các chuyến bay, gây thiệt hại cho hành khách. Sáu bang của Mỹ cũng đệ đơn ngăn chặn cuộc "hôn phối" này vì sợ mất các chuyến bay và công ăn việc làm của người địa phương tại các sân bay. Nhưng ngay sau đó, chính phủ Mỹ đã đạt một thỏa thuận với các hãng hàng không. Cụ thể, American Airlines và US Airways đồng ý từ bỏ một số quyền cất cánh và hạ cánh tại 7 sân bay chính ở Mỹ, chủ yếu là ở một trong 3 sân bay phục vụ khu vực thủ đô Washington. Những khu vực trong ga sân bay mà hai hãng hàng không này từ bỏ nhằm ưu tiên cho các hãng hàng không giá rẻ như AirTran Southwest và JetBlue có quyền được hoạt động nhiều hơn hoặc có những khu đỗ riêng tại các sân bay Reagan National Airport ở thủ đô Washington, LaGuardia Airport ở thành phố New York và các sân bay tại các thành phố lớn khác như Boston, Chicago, Los Angeles, Dallas và Miami. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder cho biết, việc dành quyền ưu tiên cho các hãng hàng không giá rẻ tại các sân bay lớn này là để bảo đảm tính cạnh tranh lớn hơn đối với các chuyến bay trực tiếp hoặc quá cảnh trên khắp các sân bay của nước Mỹ.
Phát biểu sau thông báo của Bộ Tư pháp, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành của AA, Chủ tịch tương lai của hãng hàng không sáp nhập, Thomas Horton tuyên bố, sự chấp thuận của Bộ Tư pháp đã tạo điều kiện cho họ thực hiện các động thái cuối cùng để thành lập AA. Giới lãnh đạo của hai hãng hàng không tỏ ra lạc quan về tương lai của hãng hàng không mới, đánh giá rằng thỏa thuận sáp nhập sẽ không gây cắt giảm nhân công và giúp tăng lợi nhuận sau thuế hằng năm thêm 1 tỷ USD bắt đầu từ năm 2015. Dự kiến, thỏa thuận sáp nhập sẽ được hoàn tất vào tháng 12 tới. Theo các nhà kinh tế, sau khi American Airlines và US Airways hoàn tất kế hoạch sáp nhập, 86% thị phần nội địa sẽ rơi vào tay của 4 hãng hàng không lớn của Mỹ gồm AA mới, Delta Air Lines, United Airlines và Southwest Airlines, trong đó riêng AA mới có tới 1.000 đường bay.
Hãng hàng không đang phá sản American Airlines giàu truyền thống là hãng hàng không lớn nhất thế giới với hơn 80 triệu hành khách tới 250 điểm đến trên toàn cầu vào năm ngoái, trong khi US Airways là 50 triệu người tới 200 điểm đến. Phải đối mặt với tình trạng nguồn tiền mặt liên tục sụt giảm trong khi phí xăng dầu tăng cao cũng như phải trả chi phí lao động cao hơn nhiều so với hãng khác, tháng 11-2011, American Airlines đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Trong một bước đi được mô tả là nhằm củng cố đà phục hồi của ngành công nghiệp hàng không vẫn đang phải sống dựa vào các khoản tiền bảo lãnh của liên bang, American Airlines đã ký thỏa thuận sáp nhập với đối thủ cạnh tranh US Airways - hãng hàng không lớn thứ 5 của Mỹ - với mục tiêu trở thành hãng hàng không dân dụng lớn nhất thế giới.
Vụ sáp nhập giữa American Airlines và US Airways diễn ra sau những vụ "hôn phối" của các hãng hàng không khác ở Mỹ, như hãng Delta với Northwest và United với Continental. Sau khi sáp nhập, AA được cho là sẽ vẽ lại bản đồ hàng không thế giới, trở thành hãng hàng không dân dụng lớn nhất toàn cầu với tần suất dự kiến 6.700 chuyến bay/ngày tới 336 địa điểm của 56 quốc gia, doanh thu khoảng 40 tỷ USD/năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.