Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ quyết “chuốt sắc kiếm” để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông

Theo VOV| 01/10/2016 09:51

Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter ngày 30/9 tuyên bố Mỹ sẽ “chuốt sắc kiếm” để đối phó với động thái hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông.


Theo AP, tuyên bố trên được ông Ash Carter đưa ra trong bài phát biểu ngày 29/9 trên tàu sân bay USS Carl Vinson hiện đang cập cảng tại San Diego, Mỹ.

Máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit sẽ trở thành quân bài "chiến lược"
của Mỹ trong khu vực. Ảnh: AP



Trấn an đồng minh, răn đe Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Carter đã mô tả chi tiết giai đoạn tiếp theo trong chính sách xoay trục sang châu Á nhằm tái khẳng định cam kết duy trì an ninh trong khu vực sau một thời gian dài bị chỉ trích là quá quan tâm đến Trung Đông.

Các chuyên gia cho rằng, bài phát biểu của ông Carter cũng là nhằm trấn an các đồng minh của Mỹ đang “đứng ngồi không yên” trước động thái gia tăng căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo đó, ông Carter cho biết, Lầu Năm Góc sẽ trang bị cho các tàu ngầm tấn công của Hải quân Mỹ để chúng “trở nên chết chóc hơn” và chi tiêu nhiều hơn cho việc xây dựng các thiết bị lặn không người lái có thể hoạt động tại các vùng nước nông nơi tàu ngầm không thể hoạt động được.

“Mỹ sẽ tiếp tục chuốt sắc các loại vũ khí của mình để tiếp tục trở thành quốc gia có sức mạnh quân sự lớn nhất và là lựa chọn hàng đầu của các đồng minh trong việc bảo đảm an ninh trong khu vực”, ông Carter nhấn mạnh.

Bộ trưởng Carter cũng hứa hẹn: “Chúng tôi còn có một vài “điều ngạc nhiên thú vị” dành cho các bạn” và chỉ trích Trung Quốc vì đã “có những lúc hành xử quá hiếu chiến”.

“Đôi lúc Trung Quốc dường như chỉ muốn tuân theo những nguyên tắc nào mà nước này thấy rằng có lợi cho mình và dẹp bỏ những gì bất lợi cho họ. Ví dụ như quyền tự do đi lại cho phép tàu thuyền và máy bay của Trung Quốc được đi khắp nơi trên thế giới nhưng họ lại chỉ trích các nước khác nếu làm như vậy trong khu vực.

Tuy nhiên, những nguyên tắc này đều mang tính phổ quát và được áp dụng một cách bình đẳng với mọi đối tượng và mọi quốc gia chứ không phải của riêng Trung Quốc”, ông Carter nhấn mạnh.

Tăng cường quân sang châu Á- cải thiện quan hệ với Philippines

Trước khi có bài phát biểu về chính sách xoay trục tại châu Á đáng chú ý nói trên, hồi tháng 4, ông Carter từng cam kết “sẽ đưa thêm nhiều binh sĩ tinh nhuệ nhất và vũ khí hiện đại nhất sang châu Á-Thái Bình Dương”.

Số vũ khí trên bao gồm các siêu chiến đấu cơ đa nhiệm tàng hình thế hệ thứ 5 là F-22 và F-35, máy bay trinh sát P-8 Poseidon cùng các máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-2 và b-52 cùng nhiều loại tàu chiến khác, trong đó đáng chú ý là loại tàu tấn công đổ bộ hiện đại nhất USS America.

Ông Carter khẳng định, châu Á-Thái Bình Dương là “khu vực quan trọng nhất đối với tương lai của nước Mỹ” và sự hiện diện sức mạnh quân sự của Mỹ tại đây có “tầm quan trọng chiến lược đối với nước Mỹ”.

Ngoài ra, ông Carter được kỳ vọng là sẽ tìm cách cải thiện mối quan hệ với Philippines vốn đang bị tổn hại nghiêm trọng trong thời gian gần đây.

Trước đó, khi đến thăm Philippines hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter từng khẳng định, chuyến thăm của ông “mở ra một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ đồng minh lâu dài giữa Mỹ và Philippnes”.

Ông Carter cũng ca ngợi thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Philippines và nhấn mạnh: “Tôi rất tự hào rằng, mối quan hệ giữa hai nước đang bền chặt hơn bao giờ hết”.

Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, mối quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines đột ngột xoay chiều chóng mặt kể từ khi ông Duterte trở thành Tổng thống hồi tháng 6.

Đỉnh điểm của sự “băng giá” trong mối quan hệ giữa hai nước diễn ra khi Tổng thống Durtete công khai gọi ông Obama là “gã khốn” hồi đầu tháng 9 dẫn đến việc ông Obama hủy cuộc gặp với ông Duterte bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Lào.

Sau đó, dù đã tuyên bố “lấy làm tiếc về lời lẽ của mình”, ông Duterte trong tuần này vẫn khẳng định, cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines vào tuần tới sẽ là cuộc tập trận cuối cùng.

Theo ông Duterte, lý do duy nhất Mỹ và Philippines vẫn tiến hành cuộc tập trận này là do hai bên đã hợp tác với nhau trong suốt 65 năm qua. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Philippines sau đó đã ngay lập tức “cải chính” lại tuyên bố của ông Duterte.

Sau “lời cải chính” của Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, ông Carter khẳng định, mối quan hệ giữa Mỹ với Philippines “vẫn rất khăng khít” và cam kết: “Thông qua thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Philippines, Mỹ sẽ hỗ trợ việc hiện đại hóa quân đội Philippines”./.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mỹ quyết “chuốt sắc kiếm” để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.