(HNM) - Đúng với “kịch bản” thông báo cách đây 6 tháng, ngày 2-8, Mỹ sẽ chính thức kích hoạt quá trình rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã ký kết với Nga. Đây là "bước lùi" nguy hiểm, tạo ra khoảng trống trong hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược quốc tế, trở thành mối đe dọa đối với an ninh và ổn định toàn cầu.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình trên mặt đất tầm ngắn và tầm trung (từ 500 đến 5.500km). Đây là hiệp ước đầu tiên giữa Washington và Mátxcơva về giải trừ vũ khí hạt nhân và được xem là "hòn đá tảng" cho việc duy trì hòa bình thế giới suốt hơn 3 thập kỷ qua.
Trong những năm gần đây, quan hệ Nga - Mỹ gần như rơi vào tình trạng đóng băng. Hai bên vẫn liên tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận kiểm soát tên lửa đạn đạo. Song, việc tiếp tục duy trì những hiệp ước tương tự như INF hay Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) là “dây neo” giữ Nga và Mỹ không vượt quá giới hạn đỏ đến mức gây nguy hiểm tới sự ổn định chiến lược toàn cầu.
Với quyết định tạm ngừng thực hiện INF, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ triển khai tên lửa tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại châu Á và châu Âu, trực tiếp đe dọa an ninh nước Nga. Trước đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo, việc Mỹ rút khỏi INF có thể khiến toàn bộ hệ thống kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt sụp đổ... Cảnh báo của ông chủ Điện Kremlin hoàn toàn có cơ sở khi Mỹ đang có ý định không gia hạn START với Nga, sẽ hết hạn vào năm 2021.
Trong trường hợp cả INF và START bị thủ tiêu, sẽ đặt thế giới tới gần với tình huống đối đầu chiến lược giữa hai cường quốc hạt nhân như từng xảy ra đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Ngay chính luật sư về an ninh quốc gia của Mỹ Bradley Moss cũng cảnh báo, quyết định hủy bỏ INF sẽ giáng một đòn nguy hiểm vào quá trình cắt giảm và tiêu hủy các kho vũ khí hạt nhân khắp hành tinh.
Theo nhận định của các chuyên gia quân sự thế giới, việc các hiệp ước về kiểm soát hạt nhân đổ vỡ sẽ dẫn tới việc Nga tập trung phát triển các loại vũ khí siêu vượt âm thế hệ mới nhanh gấp 27 lần vận tốc âm thanh như Tổng thống Nga V.Putin đã công bố trong Thông điệp Liên bang năm 2018. Theo đó, Nga sẽ biến mọi phương tiện vận chuyển trên bộ, trên không và trên biển đều có khả năng tấn công phủ đầu hoặc răn đe chiến lược xuyên thủng lá chắn tên lửa của đối phương.
Ngoài ra, để lấp đầy khoảng trống vũ khí răn đe do INF đổ vỡ, Nga hoàn toàn có thể giảm tầm bắn của một số loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hay hoán cải tên lửa đang được biên chế cho hải quân và không quân sang biến thể lục quân.
Một phương án khác có thể được Nga chú ý là triển khai các loại vũ khí tấn công chiến lược ở Bắc Cực, nơi rất gần lãnh thổ Mỹ. Với tên lửa ICBM 15ZH59, toàn bộ khu vực Bắc Mỹ sẽ nằm trong tầm ngắm của tên lửa Nga. Dòng ICBM di động cực kỳ lợi hại này đã bị phía Mỹ yêu cầu hủy bỏ theo quy định của INF vào tháng 10-1991.
Trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống xuất hiện ngày càng nhiều, chắc chắn vấn đề vũ khí chiến lược sẽ không thể được giải quyết nếu thiếu sự hợp tác hiệu quả giữa Nga và Mỹ. Vì vậy, khoảng trống hợp tác giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới sau khi Mỹ rút khỏi INF chính là rủi ro lớn nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.