(HNM) - Chưa bao giờ vấn đề quản lý của cơ quan nhà nước với việc thiết lập trật tự, kỷ cương lại được đề cập, hối thúc mạnh mẽ như hiện tại.
Mới đây, dư luận đã đón nhận thông tin Bộ Công Thương công bố kết luận thanh tra dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình. Theo đó, nhiều sai phạm về quản lý của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam được làm rõ, như phê duyệt điều chỉnh dự án trên cơ sở hiệu quả tài chính thấp, tiềm ẩn yếu tố rủi ro, công tác dự báo còn hạn chế; bổ nhiệm giám đốc ban quản lý dự án chưa tuân thủ quy định. Chủ đầu tư cấp than cho nhà thầu chạy thử vượt so với hợp đồng EPC, nhưng qua nhiều lần đàm phán hai bên chưa thống nhất được giá trị và trách nhiệm của mỗi bên đối với lượng than cấp vượt. Hợp đồng EPC cũng tiềm ẩn sự bất lợi đối với chủ đầu tư và là một trong số nguyên nhân gây ra việc chưa quyết toán được hợp đồng…
Đây là trường hợp đầu tiên trong loạt dự án tiêu tốn tiền “khủng”, gây tốn kém, thất thoát cùng nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Cả "núi” tiền ngân sách, trích từ tiền thuế đã "đội nón ra đi" và vẫn tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục thất thoát, bởi lẽ phần lớn các dự án này chưa có dấu hiệu hồi vốn. Có thể nói, người ta không còn hy vọng gì về số phận của các dự án đầy tai tiếng này. Hơn thế, sự giảm sút niềm tin của xã hội mới là điều đau xót và đáng quan ngại hơn cả…
Sắp tới, cơ quan chức năng sẽ còn thanh tra, làm rõ sai phạm tại một số dự án khác và cái kết có thể dự báo là không “nhẹ” hơn trường hợp của Nhà máy Đạm Ninh Bình. Hồi chuông cảnh tỉnh đã rung lên, dù muộn nhưng còn hơn không. Hy vọng, bài học xương máu về tình trạng buông lỏng, vô trách nhiệm trong quản lý tài sản nhà nước sẽ không còn kéo dài và "sợi dây" rút kinh nghiệm sẽ không là câu cửa miệng của các đối tượng làm thất thoát tài sản công…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.