Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mức trần lãi suất 14% vẫn còn ý nghĩa

Vân An| 24/11/2011 18:12

(HNMO) – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, nếu tính mốc từ tháng 8 trở lại đây, mức trần lãi suất huy động 14% lại đúng và tích cực.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình - Ảnh: VnExpress

(HNMO) – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, nếu tính mốc từ tháng 8 trở lại đây, mức trần lãi suất huy động 14% lại đúng và tích cực.

Trong nhóm đại biểu đầu tiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình chiều 24/11, đại biểu Trần Ngọc Vinh - Hải Phòng đặt vấn đề, Thống đốc đã cam kết giảm lãi suất cho vay nhưng hiện nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay với mức cao. Trong khi đó, lãi suất huy động vẫn giữ ở mức 14%/năm thì dân không được lợi, doanh nghiệp không được lợi, mà phần đó về phía ngân hàng.

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, mức trần lãi suất huy động này được đưa ra vào thời điểm cuối năm 2010 là có ý nghĩa tích cực vì lúc đó, chúng ta đang xây dựng kế hoạch phát triển cho năm 2011 với mục tiêu lạm phát có 7%. Như vậy, “trần này là quá tích cực và có lãi với người gửi tiền”.

Tuy nhiên, trước những diễn biến bất lợi của tình hình trong nước và thế giới, tính linh hoạt của trần lãi suất này đã bị mất và giai đoạn khoảng nửa đầu năm 2011, người gửi tiền có thể bị thiệt. Nhưng từ tháng 8 trở lại đây, với cách tính lãi suất áp dụng từ thời điểm này cho cả năm sau và dự báo lạm phát năm tới vào khoảng 10%, trần lãi suất này lại đúng và tích cực.

Cũng tại thời điểm tháng 8, Ngân hàng Nhà nước phấn đấu giữ mức trần lãi suất huy động, đồng thời hạ lãi suất cho vay xuống 17-19%/năm. Thống đốc khẳng định, đến nay, chúng ta đã làm được, đại đa số các ngân hàng đều đang cho vay ở mức này, thậm chí thấp hơn. Về lý do một số doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn, theo Thống đốc, nguyên nhân chính là doanh nghiệp đó không có tình hình tài chính lành mạnh.

“Lạm phát giảm tương đối mạnh từ tháng 8 trở lại đây là tiền đề để giảm lãi suất. Nếu trong tháng này, lạm phát dưới 1% thì có thể xem xét giảm trần lãi suất huy động”, Thống đốc nói.


Mức trần lãi suất huy độn 14%/năm vẫn hợp lý


Đi vào câu chuyện chính là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng như chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết - Bà Rịa Vũng Tàu, Thống đốc cho rằng, nên coi đây là việc làm bình thường. Đất nước ta đã sang giai đoạn mới, trước chủ yếu phát triển theo chiều rộng, nay chuyển sang chiều sâu thì việc tái cấu trúc ngân hàng xuất phát từ chính nhu cầu nội tại của nền kinh tế đất nước, chứ nguyên nhân chính của tái cấu trúc không phải là vì hệ thống ngân hàng của ta quá yếu kém, nếu không tái cấu trúc thì gây ra hệ lụy. Thống đốc khẳng định, hệ thống ngân hàng Việt Nam dù có yếu kém nhưng đã đứng vững trước những khủng hoảng của thế giới và bằng chứng sống động mới nhất là trong năm vừa qua, VCB vẫn phát hành được trái phiếu ra thế giới với giá cao.

Thống đốc cho biết, đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện đã được hoàn thành, cuối tháng 11 này sẽ được Chính phủ thông qua. Trọng tâm của đề án là tái cấu trúc theo hướng đảm bảo xây dựng hệ thống ngân hàng lành mạnh, đủ sức cạnh tranh trong và ngoài nước; tạo ra hệ thống ngân hàng đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển sắp tới về vốn, dòng vốn, dịch vụ ngân hàng; tạo hệ thống tổ chức ngân hàng đa dạng về quy mô, trong đó có những ngân hàng đủ sức cạnh tranh trong khu vực, đủ sức cấp vốn cho nhu cầu trong nước. Đồng thời, vẫn chấp nhận những ngân hàng quy mô vừa và nhỏ nhưng mạnh và đủ sức hoạt động trong phân khúc thị trường nhất định.

“Có ý kiến cho rằng Việt Nam nhiều ngân hàng, tôi thừa nhận chúng ta đang thừa những ngân hàng quy mô nhỏ và tình hình tài chính không lành mạnh, nhưng đang rất thiếu những ngân hàng tốt“, Thống đốc nói.

Theo phân tích của Thống đốc, hiện các ngân hàng có khoảng gần 9.000 điểm giao dịch, nếu so với quy mô dân số là 87 triệu dân thì tỷ lệ này vẫn rất thấp.

Thống đốc cũng đã công bố số ngân hàng yếu kém cần giám sát chặt chẽ theo yêu cầu của đại biểu Tuyết. Hiện nay, nếu tính trên toàn hệ thống ngân hàng, Việt Nam có 37 ngân hàng cổ phần, trong đó có 8 ngân hàng lành mạnh, có thể làm trụ cột cho hệ thống ngân hàng cổ phần, chỉ có 8 ngân hàng quy mô nhỏ hoạt động chưa lành mạnh, chiếm chưa đến 5%.

Thống đốc cho biết, khâu khó khăn nhất trong công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng chủ yếu chính là ở những ngân hàng có tài chính yếu kém.

“Chúng ta tái cấu trúc làm sao phải như đánh chuột nhưng không được đổ bình, phun thuốc trừ sâu cho lúa nhưng vẫn đảm bảo lúa xanh tốt”, Thống đốc mượn lời ví von của một đại biểu Quốc hội.

Phần trả lời của Thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ được tiếp tục vào sáng mai với rất nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi xung quanh vấn đề điều hành lãi suất, giá vàng, tỷ giá…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mức trần lãi suất 14% vẫn còn ý nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.