(HNM) - Sau các thỏa thuận được ví như
Chuyến thăm Châu Âu đầu tiên và là lần công du thứ hai đến các quốc gia phương Tây kể từ khi Thủ tướng N.Modi lên cầm quyền cách đây 10 tháng là dấu hiệu cho thấy những thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của New Dehli trong thời gian tới.
Thủ tướng Ấn Độ N.Modi (trái) và Tổng thống Pháp F.Hollande chào người dân tại Paris. |
Trên thực tế, trong suốt 2 thập kỷ qua, Ấn Độ liên tục theo đuổi chính sách đối ngoại "hướng Đông". Khi ông N.Modi lên cầm quyền, chiến lược này tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua các thỏa thuận tăng cường hợp tác với Trung Quốc và Nhật Bản nhằm tìm kiếm đầu tư với mục tiêu phục hồi nền kinh tế và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Dù vậy, kết quả của chính sách "hướng Đông" vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Điều này cho thấy, nếu chỉ "trông chờ" Châu Á là chưa đủ, Ấn Độ không thể bỏ qua Châu Âu. Châu lục già cỗi này có thể hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ ba Châu Á trong những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao mà nhiều khu vực không thể đáp ứng.
Vì thế, trong chặng dừng chân đầu tiên tại Pháp, bên cạnh việc tiếp kiến Tổng thống nước chủ nhà Francois Hollande, Thủ tướng N.Modi đã không quên gặp các giám đốc điều hành cấp cao các ngành công nghiệp liên quan sản xuất quốc phòng và cơ sở hạ tầng. Thủ tướng N.Modi cũng đã đến thăm một nhà máy của Airbus tại Toulouse và Trung tâm Quốc gia d'Etudes Spatiales, cơ quan không gian của Chính phủ Pháp. Điểm đáng chú ý nhất của chuyến thăm là việc Thủ tướng N.Modi tuyên bố mua của Pháp 36 chiến đấu cơ Rafale do Công ty Dasault sản xuất. Hợp đồng trị giá khoảng 4 tỷ euro và một số điều khoản sẽ được thảo luận tiếp trước khi ký chính thức. Đây là kết quả cụ thể của dự án Pháp bán 126 chiến đấu cơ Rafale cho Ấn Độ được đôi bên khởi động từ 3 năm nay. Hai bên cũng cam kết sẽ tiếp tục bàn thảo về việc chuyển giao công nghệ lắp ráp máy bay Rafale - hợp đồng nằm trong chương trình hiện đại hóa lực lượng không quân đã lỗi thời của Ấn Độ. Cùng với quyết định mua 36 chiếc Rafale, Ấn Độ đã ký với Công ty Ereva của Pháp hai hợp đồng trong khuôn khổ dự án xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân EPR của Ấn Độ với tổng công suất lên tới 10.000MW. Hai bên cũng trao đổi thúc đẩy đầu tư và hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện mặt trời, giao thông vận tải; trong đó có dự án hợp tác giữa Tập đoàn Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) và Hãng Đường sắt Indian Railways để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc ở Ấn Độ.
Còn trong chuyến thăm Đức, Thủ tướng N.Modi đã dự triển lãm công nghiệp lớn nhất thế giới Hannover Messe có sự tham gia của 400 doanh nghiệp Ấn Độ. Các cuộc hội đàm song phương với người đồng cấp Đức Angela Merkel cũng không nằm ngoài chủ đề tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và công nghệ cao cũng như kêu gọi đầu tư. Thực ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Ấn Độ đã phục hồi trong thời gian Thủ tướng N.Modi nắm quyền. Tính đến tháng 1-2015, 10 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính 2013, dòng vốn FDI đã đạt 37,7 tỷ USD. Những rào cản về đầu tư nước ngoài đã được dỡ bỏ trong hầu hết các ngành công nghiệp, ngoại trừ công nghiệp quốc phòng và một số ngành khác. Nhưng các nhà máy nước ngoài dự định đặt cơ sở sản xuất ở Ấn Độ vẫn gặp một số khó khăn về môi trường kinh doanh. Bản báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2015 xếp Ấn Độ đứng thứ 142 trên 189 quốc gia được xếp hạng.
Trở thành Thủ tướng Ấn Độ sau chiến thắng vang dội nhất 30 năm của "Đảng Nhân dân Ấn Độ" (BJP) trong cuộc bầu cử Quốc hội cách đây 10 tháng, ông N.Modi được kỳ vọng sẽ có những cải cách mạnh mẽ cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm và thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo tại đất nước có mật độ dân số đứng thứ hai thế giới. Do vậy, chuyến thăm hai quốc gia trụ cột của Châu Âu cùng những thay đổi trong chính sách đối ngoại của nhà lãnh đạo 64 tuổi không nằm ngoài mục tiêu đề ra cho nhiệm kỳ là đưa Ấn Độ bước vào một kỷ nguyên mới: Tăng trưởng và thịnh vượng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.