(HNM) - Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông khẳng định, SGDVT hàng hóa sẽ giúp tránh được tình trạng các doanh nghiệp vận tải tự hạ giá, dìm giá, hoạt động lộn xộn...
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông khẳng định, SGDVT hàng hóa sẽ giúp tránh được tình trạng các doanh nghiệp (DN) vận tải tự hạ giá, dìm giá, hoạt động lộn xộn... Tuy nhiên, điều quan trọng là cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm soát và thẩm định được chất lượng dịch vụ của các DN vận tải khi đưa thông tin lên sàn.
Quan điểm của Bộ GTVT trong đề án là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng về cơ hội tham gia thị trường đối với các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động kinh doanh vận tải, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về vận tải, tăng cường công tác quản lý tại các đơn vị. Để làm tốt công tác này, phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hình thành SGDVT hàng hóa, làm công khai, minh bạch thị trường vận tải, giúp cho khách hàng có nhiều thông tin để lựa chọn được dịch vụ phù hợp với nhu cầu, đồng thời giúp cho DN nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Ông Hoàng Thanh Minh, Giám đốc dự án cho biết, SGDVT đang được xây dựng có tên là ViTrans Portal (ViTP - viết tắt từ cụm từ Vietnam Transport Portal). Sàn giao dịch sẽ là một giải pháp công nghệ tiên tiến giúp DN quản lý và điều hành mọi hoạt động với nhiều lợi ích, như kết nối mạng lưới vận tải, giảm đầu tư thiết bị, chi phí nhân lực điều hành, nâng cao hiệu suất vận tải, đơn giản hóa giấy tờ… ViTP rất đơn giản cho người sử dụng. Khi đăng ký trực tuyến tham gia SGDVT, DN sẽ được cung cấp mật mã để vào sàn. Khách hàng vận tải sẽ đăng tải yêu cầu vận chuyển hàng hóa, các điều kiện ràng buộc kèm theo (kể cả việc ấn định giá sàn cho gói hàng)... Sau thời hạn đăng tải, chủ hàng tự chọn lựa DN vận tải theo tiêu chí của mình. Còn các DN vận tải sau khi truy cập vào Sàn giao dịch sẽ nhận vận chuyển đơn hàng phù hợp với khả năng và điều kiện của mình. Tham gia vào sàn, DN vận tải chỉ phải thanh toán chi phí khi sử dụng dịch vụ. Dự kiến, mức giá dịch vụ khoảng 100.000 đồng cho một xe tải trong một năm sử dụng giao diện Quản lý vận tải và khoảng 5.000 đồng cho một giao dịch thành công qua sàn.
Nhiều chuyên gia giao thông cũng như đại diện DN vận tải đã bày tỏ sự ủng hộ. Thực tế trên thị trường hiện nay tồn tại một số website dịch vụ vận tải hoặc các "chợ" giao dịch vận tải được các doanh nghiệp vận tải lập ra để thu hút chủ hàng. Tuy nhiên, đây chỉ là các sàn, chợ nhỏ, hoạt động manh mún và khá lộn xộn. Hơn nữa, ở đó, các khách hàng thường phải chấp nhận hợp đồng giá cả mà DN vận tải quy định. Đây là sự bất bình đẳng giữa các DN vận tải và các chủ hàng. Ông Thái Văn Chung (Hiệp hội Vận tải TP Hồ Chí Minh) cho rằng việc lập SGDVT hàng hóa quy mô lớn do nhà nước quản lý là rất cần thiết và nên được triển khai sớm. Nếu vào sàn có lợi thì DN sẵn sàng nộp phí.
Đại diện nhiều DN mặc dù ủng hộ đề xuất này nhưng thái độ vẫn còn khá e dè. Có ý kiến nêu rõ, việc thành lập SGDVT hàng hóa sẽ tránh được tình trạng các DN vận tải tự hạ giá, dìm giá. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm cách nào kiểm soát được chất lượng dịch vụ của các DN vận tải như thông tin mà họ đưa lên sàn. Cùng với đó phải trả lời được câu hỏi ai là người đứng ra thẩm định năng lực của các đơn vị vận chuyển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.