(HNM) - 140.938 tỷ đồng là tổng khối lượng trái phiếu (TP) phát hành ra thị trường tính đến ngày 14-8-2015.
Tại cuộc họp báo chuyên đề về phát triển thị trường TP (TTTP) chiều 20-8, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Mặc dù công tác huy động vốn thông qua phát hành TP 8 tháng đầu năm có đôi chút khó khăn, song việc đầu tư vào TP có độ rủi ro gần như bằng 0 nên thị trường này vẫn có sự hấp dẫn riêng. Nhiều biện pháp nhằm thu hút thêm nhà đầu tư là các công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư tài chính sẽ được Bộ Tài chính thực hiện nhằm hoàn thành kế hoạch huy động vốn TP trong năm nay.
Nguồn vốn huy động từ trái phiếu đã góp phần phát triển cơ sở hạ tầng cho đất nước trong những năm qua. Ảnh: Nam Khánh |
Thu hút đầu tư nước ngoài
Được coi là thị trường chuẩn để toàn bộ thị trường tài chính tiền tệ lấy làm căn cứ tham chiếu và cũng là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế nên thời gian qua, việc hoàn thiện khung pháp lý để phát triển TTTP đã được chú trọng. Đại diện Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết: Hiện nay, các ngân hàng thương mại đang nắm giữ 80% tổng khối lượng TP phát hành trên thị trường. Số TP còn lại thuộc về các công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tiền gửi, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán. Nhà đầu tư nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam chỉ nắm giữ khoảng 1-2% khối lượng TP phát hành. Bộ Tài chính đang hoàn thiện nghị định về Quỹ Hưu trí tự nguyện để trình Chính phủ ban hành, góp phần phát triển hệ thống nhà đầu tư dài hạn trên TTTP, đồng thời nghiên cứu các giải pháp nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường này.
Tính đến ngày 14-8-2015, tổng khối lượng TP phát hành ra thị trường là 140.938 tỷ đồng. Trong đó, khối lượng phát hành TP chính phủ là 123.479 tỷ đồng (49% kế hoạch năm 2015), khối lượng phát hành TP được Chính phủ bảo lãnh là 17.459 tỷ đồng (36% kế hoạch)... 2015 là năm đầu tiên phát hành thành công TP chính phủ kỳ hạn 20 năm (kỳ hạn dài nhất từ trước tới nay) cho các công ty bảo hiểm nhân thọ với khối lượng phát hành trong tháng 7-2015 là 3.450 tỷ đồng. Trên TTTP chính phủ, bên cạnh sản phẩm truyền thống là TP thanh toán lãi định kỳ, Bộ Tài chính đang nghiên cứu và triển khai hai sản phẩm mới là: TP không trả lãi định kỳ và TP lãi suất thả nổi để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trên thị trường. Dư nợ TTTP tính đến ngày 14-8 là 867.876 tỷ đồng, đạt khoảng 22% GDP năm 2014. Riêng dư nợ TTTP chính phủ là 581.497 tỷ đồng, đạt khoảng 14% GDP năm 2014.
Tiếp tục hoàn thiện thị trường
Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo nghị quyết của Quốc hội, ngoài nhiệm vụ phát hành TP để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước (NSNN), việc phát hành TP còn nhằm mục đích huy động thêm nguồn vốn để phát triển hạ tầng giao thông và thủy lợi... Như vậy, việc phát triển TTTP sẽ thực hiện cùng lúc nhiệm vụ "kép" là bù đắp bội chi NSNN và "gọi vốn" phục vụ đầu tư phát triển.
Về tỷ lệ huy động TP 8 tháng đầu năm chỉ đạt 49% kế hoạch năm, đại diện Vụ Tài chính - Ngân hàng khẳng định, mặc dù công tác phát hành TP có khó khăn, song không phải là do các ngân hàng thương mại không còn "mặn mà" với kênh đầu tư này. Bởi trên thực tế, tỷ lệ rủi ro khi đầu tư vào TP gần như bằng 0. Vì vậy, TTTP vẫn luôn có sự hấp dẫn riêng dù lãi suất trên thị trường này không được như một số kênh đầu tư khác. Những tháng vừa qua, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường vẫn bảo đảm có 80% là các ngân hàng thương mại. Đây là cơ cấu chuẩn trên TTTP tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới về việc Bộ Tài chính sẽ thực hiện các giải pháp gì để thu hút thêm nhà đầu tư là các doanh nghiệp bảo hiểm và quỹ đầu tư tài chính, đại diện Bộ Tài chính cho biết, sẽ tham mưu với Chính phủ nhằm phát triển TTTP theo hướng đa dạng, thu hút thêm các nhà đầu tư tiềm năng như các công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư tài chính. Bởi tính riêng 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế 141 nghìn tỷ đồng, trong đó có một phần đáng kể được đầu tư vào TP do đây là một kênh đầu tư có độ an toàn cao.
Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển TTTP theo hướng bền vững, có tính thanh khoản cao, từng bước tiếp cận với các thông lệ quốc tế. Mục tiêu cụ thể là tổng dư nợ TTTP sẽ đạt 38% GDP trong năm 2020. Bộ Tài chính cũng sẽ đầu tư, phát triển hệ thống công nghệ thông tin trên TTTP, bảo đảm hoạt động phát hành và giao dịch TP diễn ra thông suốt, rút ngắn thời gian từ khâu phát hành đến niêm yết, tạo thanh khoản trên thị trường.
Tại buổi họp báo, Bộ Tài chính cũng cho biết, ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm từ khi FTA này có hiệu lực, EU cũng xóa bỏ thuế nhập khẩu với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với nhập khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU và sau 10 năm là khoảng 99% dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.