Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Phương Nhi| 29/10/2016 07:52

(HNM) - Băng tan, nước biển dâng, tần suất các cơn bão mạnh cùng với lũ lụt, hạn hán ngày càng tăng lên, gây thiệt hại nặng nề cho con người. Đó là những hậu quả của hiệu ứng nhà kính làm bầu khí quyển Trái đất nóng lên, mà nguyên nhân cũng xuất phát từ con người. Giảm phát thải khí nhà kính là một trong những mục tiêu đang được quan tâm.



Tại lễ công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức mới đây, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT nhấn mạnh, trong giai đoạn 1994-2010, tổng số lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam đã tăng nhanh từ 103,8 triệu tấn CO2 tương đương, lên 246,8 triệu tấn CO2 tương đương. Trong đó, lĩnh vực năng lượng tăng nhanh nhất, từ 25,6 triệu tấn CO2 tương đương lên 141,1 triệu tấn và cũng là lĩnh vực phát thải nhiều nhất, có xu hướng ngày một tăng. Nguyên nhân chính là do hoạt động đốt cháy nhiên liệu hóa thạch (trong các ngành công nghiệp năng lượng, hoạt động giao thông vận tải...).

Để cụ thể hóa các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, nhiều quốc gia đã kết hợp giữa xây dựng, phát triển các chính sách giảm thải với đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ. Đối với Việt Nam, theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nước ta đã, đang chủ động phát huy nội lực, kêu gọi hỗ trợ quốc tế tiến hành các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế các bon thấp theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Theo báo cáo cập nhật hai năm một lần, lần thứ nhất của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, dựa trên các ước tính phát thải khí nhà kính đến năm 2030, Việt Nam đã xây dựng các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong từng lĩnh vực cụ thể. 6 phương án giảm nhẹ khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng được xây dựng gồm các công nghệ tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo. Đó là các biện pháp sử dụng điều hòa nhiệt độ hiệu suất cao có tiềm năng giảm phát thải; chuyển đổi sử dụng khí hóa lỏng (LPG) thay xăng trong giao thông vận tải; chuyển đổi sử dụng ethanol thay xăng trong giao thông vận tải và phát triển nhiệt điện sinh khối, phát triển thủy điện nhỏ, điện gió...

Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân, thời gian qua Việt Nam đã tranh thủ nhận được sự hỗ trợ nhiều của bạn bè quốc tế trong hoạt động này, trong đó, có dự án “Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện và sẵn sàng cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải” (FIRM) do Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch tài trợ. Dự án được Bộ TN-MT phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ các nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần phát triển nền kinh tế theo hướng các bon thấp, tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Dự án góp phần loại bỏ các rào cản phi tài chính trong nước nhằm xây dựng và thực hiện thí điểm các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) ưu tiên. Trong dự án này, chương trình hỗ trợ phát triển điện gió ở Việt Nam và sản xuất điện khí sinh học tại các trang trại nuôi lợn quy mô trung bình và lớn đã được triển khai.

Bên cạnh đó, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương đã xây dựng hồ sơ đề xuất NAMA phát triển năng lượng tái tạo, gửi NAMA Facility để xem xét hỗ trợ thực hiện. Dự án này sẽ hỗ trợ thúc đẩy đầu tư công và tư vào ngành năng lượng tái tạo nhằm đạt được mục tiêu về phát triển năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VII, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.