(HNM) - Một ASEAN sống động hướng tới tương lai. Đó là ấn tượng mạnh về Tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 (AMM 43) vừa kết thúc tốt đẹp (chiều 23-7) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội.
Gần 20 hội nghị liên quan với khoảng 1.000 khách mời từ các nước trong khu vực và thế giới tề tựu tại Hà Nội trong tuần cho thấy: đây là hoạt động thường niên quan trọng đến thế nào của ASEAN và các đối tác. Các hội nghị diễn ra sôi động trên tinh thần hợp tác và cầu thị đã một lần nữa khẳng định quyết tâm của các thành viên và đặc biệt là nước chủ nhà đồng thời là Chủ tịch đương nhiệm ASEAN về một Cộng đồng vào năm 2015 trên cơ sở Hiến chương ASEAN nhằm đẩy mạnh quan hệ đối ngoại cũng như hợp tác khu vực để ứng phó với mọi thách thức toàn cầu.
Với chủ đề xuyên suốt của năm 2010: "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động", thành công của các hội nghị lần này là bước chuẩn bị mang tính then chốt cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 cũng như một loạt Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN với các Đối tác tại Hà Nội trong nửa cuối năm nay.
Cùng với những nỗ lực nhằm biến mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN thành hiện thực cũng như đẩy mạnh quan hệ đối ngoại với các đối tác, việc các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhất trí trình Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 tại Hà Nội trong năm nay mời Mỹ và Nga tham dự qua cơ chế Cấp cao Đông Á (EAS) mở rộng là sự kiện nổi bật tại AMM 43. Thành lập từ năm 2005 gồm 10 quốc gia ASEAN với các Đối tác: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, sự tham gia tới đây của Nga, Mỹ vào EAS không chỉ khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình hợp tác, mà còn khiến ASEAN trở nên năng động và chủ động hơn. Đây là một thành công đáng nhớ của AMM 43 tại Hà Nội. Cũng tại AMM 43, sự tin tưởng của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vào tháng 10 tới sẽ tạo động lực mới cho quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện giữa hai nước càng khẳng định vai trò của Việt Nam trong khu vực.
Sự trở lại Việt Nam lần thứ hai trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ của bà Hillary Clinton - sau chuyến tháp tùng Tổng thống Bill Clinton thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2000 với tư cách là đệ nhất phu nhân của nước Mỹ - là một sự kiện thu hút sự quan tâm tại Hội nghị. Chuyến thăm, làm việc của một trong những nhân vật quyền lực nhất nước Mỹ chỉ chưa đầy hai ngày nhưng đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, không chỉ giữa Mỹ với Việt Nam, các nước tiểu vùng Mekong, mà còn cả với khu vực ASEAN giàu tiềm năng và có vị thế địa kinh tế - chính trị quan trọng.
Một trong những nội dung được Mỹ ưu tiên trong chuyến thăm Hà Nội lần này là nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ lên một tầm cao hơn, thực chất hơn sau 15 năm bình thường hóa. Điều này còn được thể hiện qua khẳng định của Ngoại trưởng Mỹ H. Clintơn về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barak Obama vào năm 2011. Dẫu rằng chưa thể vượt qua mọi khoảng cách, nhưng kết quả cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Hillary Clinton và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cho thấy, quan hệ Việt-Mỹ đang được hai bên xây dựng theo khuôn khổ "đối tác hữu nghị, xây dựng và hợp tác nhiều mặt trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau".
Một điểm nhấn và cũng là hoạt động quan trọng cuối cùng trong khuôn khổ AMM 43 đó là Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 17 (ARF 17). Sự góp mặt đông đủ của đại diện 27 thành viên, nhất là sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại ARF 17 cho thấy, duy trì hòa bình và an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang là mối quan tâm hàng đầu của các nước trong khu vực. Đúng như tiêu chí "Xúc tiến hòa bình và an ninh qua đối thoại và hợp tác ở châu Á - Thái Binh Dương" kể từ khi thành lập năm 1994 đến nay, thành công của ARF 17 đã góp thêm tiếng nói quan trọng trong đẩy mạnh hợp tác an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, góp phần thúc đẩy cơ chế đối thoại và tham vấn về các vấn đề an ninh, chính trị trong khu vực, xây dựng lòng tin và phát triển ngoại giao phòng ngừa.
Thành công của Tuần lễ AMM 43 có vai trò, đóng góp tích cực của nước chủ nhà Việt Nam. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đang góp phần tích cực xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ, vững mạnh và là hạt nhân trong cấu trúc mới đang định hình ở khu vực. Những đóng góp to lớn của Việt Nam đã được minh chứng rất rõ trong suốt chặng đường 15 năm gắn bó với ASEAN. Đây không chỉ là niềm vinh dự to lớn của Việt Nam, mà còn được xem là một trong những nền tảng quan trọng, vững chắc để ASEAN tin tưởng vào một Cộng đồng ASEAN được hình thành vào năm 2015.
Diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang tập trung mọi nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng vào năm 2015, những kết quả vừa đạt được tại AMM 43 sẽ tiếp thêm sức mạnh để ASEAN đẩy nhanh tiến trình kết nối cũng như tăng cường hợp tác với các đối tác và giữ vững vai trò trung tâm trong một cấu trúc khu vực đang định hình.
Tuy nhiên, để tiến tới một Cộng đồng ASEAN hài hòa về chính trị, liên kết về kinh tế và có trách nhiệm về xã hội, các thành viên ASEAN vẫn còn phải vượt qua chặng đường không ít chông gai. Trong đó, khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên là một thách thức được dư luận đặc biệt quan tâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.