(HNM) - Nhân Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1-7), cùng nhìn lại để thấy rõ hơn, các cơ quan chức năng đã, đang triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp, nhằm đưa chính sách bảo hiểm y tế đi vào đời sống, thu hút đa số người dân tham gia. Nhờ đó, việc thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân với ít nhất 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế vào năm 2025 đang dần cán đích.
Bảo đảm quyền lợi người tham gia
Chính sách bảo hiểm y tế với vai trò góp phần tạo giá đỡ an sinh xã hội, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng thể hiện rõ tính ưu việt.
Anh Đặng Trần Dương (xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Sức khỏe của tôi không tốt, thường xuyên phải đi khám, điều trị, mỗi năm tiêu tốn hàng chục triệu đồng. Dù nguồn thu nhập của gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song nhờ tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình, tôi vẫn được khám, điều trị bệnh định kỳ, sức khỏe dần ổn định”.
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tám cho biết, thành phố có hơn 7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 90,1% dân số. Hiện, ngành Y tế và ngành Bảo hiểm xã hội đã ký kết nhiều chương trình phối hợp để phục vụ người dân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Toàn thành phố có gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trung bình mỗi tháng, các cơ sở này đón tiếp, phục vụ khoảng 1 triệu lượt bệnh nhân đến khám, điều trị bảo hiểm y tế với số tiền đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả là hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, một số trường hợp được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả kinh phí khám, chữa bệnh lên tới hàng trăm triệu đồng/người.
Trên phạm vi cả nước, việc bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế cũng được các bên liên quan đặc biệt chú trọng. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nửa đầu năm 2021, trung bình mỗi tháng, cả nước có 12-14 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với số tiền đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả hơn 8.000 tỷ đồng.
Nhận thấy những lợi ích thiết thực của bảo hiểm y tế, số người tham gia không ngừng gia tăng. Nếu như năm 2009, số người tham gia bảo hiểm y tế mới đạt 45% dân số, thì đến nay, cả nước đã có gần 88 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 90% dân số.
Tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, ngành Bảo hiểm xã hội tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương đưa chính sách bảo hiểm y tế vào đời sống bằng nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp được ưu tiên thực hiện là nâng cao chất lượng phục vụ người dân khi họ đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Theo đó, ngành Y tế và ngành Bảo hiểm xã hội từ trung ương tới cơ sở phối hợp chặt chẽ trong mọi khâu, mọi hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi để gần 3.000 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên cả nước luôn hoạt động thông suốt. Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã sử dụng hơn 18.000 dịch vụ kỹ thuật y tế để phục vụ bệnh nhân...
Chất lượng công tác đón tiếp, phục vụ bệnh nhân cũng được cải thiện đáng kể. Nổi bật là từ ngày 1-1-2021, chính sách thông tuyến trong điều trị nội trú đối với khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được triển khai trên quy mô toàn quốc, giúp một số trường hợp tham gia bảo hiểm y tế điều trị trái tuyến vẫn được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú như đúng tuyến. Đặc biệt, từ ngày 1-6, người dân cả nước được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số thay thế cho thẻ giấy khi đi khám, chữa bệnh, mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia.
Một giải pháp khác được các cơ quan chức năng quan tâm triển khai là hỗ trợ về bảo hiểm y tế đối với một số nhóm đối tượng. Trong đó, từ ngày 1-7, trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo, trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, người đơn thân đang nuôi con... sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Một số quy định liên quan đến bảo hiểm y tế cũng được các cơ quan chức năng đề xuất điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) theo hướng tăng mức hỗ trợ, tính hấp dẫn, để mọi người dân có thể tiếp cận, thụ hưởng chính sách này.
Để người dân hiểu hơn về chính sách bảo hiểm y tế, nhân dịp Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền nhằm chuyển tải thông điệp: “Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân góp phần nâng cao sức khỏe, đẩy lùi dịch Covid-19”. Thông qua nhiều giải pháp được triển khai một cách linh hoạt, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn tin tưởng, số người tham gia bảo hiểm y tế sẽ đạt tỷ lệ 91,58% dân số vào cuối năm 2021. Điều này đồng nghĩa với việc, nước ta đang dần cán đích mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân theo kế hoạch đề ra, đó là vào năm 2025, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95% dân số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.