(HNMO) - Tại cuộc họp giao ban báo chí do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng 8-1-2021, cơ quan này cho biết, dự kiến, giữa tháng 12 âm lịch mới có thể công bố lương, thưởng Tết chính thức. Tuy nhiên, theo khảo sát ban đầu, mức thưởng Tết năm 2021 sẽ khó khăn hơn nhiều so với các năm trước đây.
Hầu hết các doanh nghiệp bảo đảm được việc làm thì vẫn duy trì tiền thưởng Tết theo mức trung bình, dù không tăng nhưng sẽ cố gắng ít nhất là một tháng tiền lương theo hợp đồng lao động hoặc tiền lương cơ bản. Những đơn vị khó khăn thực sự do ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 khiến người lao động phải nghỉ việc, giãn việc, tiền lương sụt giảm, như: Ngành dịch vụ, khách sạn, du lịch, vận tải… thì vẫn cố gắng có thêm một khoản nhất định để động viên người lao động.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh, với phương châm "Tất cả đoàn viên và người lao động đều có Tết", ngay từ tháng 10-2020, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-TLĐ để chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên và người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Năm nay, chương trình "Tết sum vầy" gắn với hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, được tổ chức một cách thiết thực, có tính lan tỏa, ưu tiên hướng về cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở như: Các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp ở nơi có đông người lao động. Các hoạt động an sinh xã hội ưu tiên thực hiện tại chỗ, bảo đảm đúng đối tượng, chu đáo, an toàn, thuận lợi. Nguồn kinh phí ở địa phương, ngành cũng chủ yếu huy động từ nguồn xã hội hóa, một phần từ tài chính công đoàn tích lũy và nguồn thu hợp pháp khác.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu công đoàn các cấp đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết. Song song đó, tham gia kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, không để người sử dụng lao động lợi dụng buộc người lao động tăng ca, làm thêm giờ, không được nghỉ Tết hoặc nghỉ Tết ít hơn thời gian quy định.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng lưu ý, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, là thời điểm mà các doanh nghiệp chi trả tiền lương, thưởng Tết và các khoản phúc lợi cho người lao động nên rất dễ phát sinh những mâu thuẫn, dẫn đến tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.
Do đó, bên cạnh chăm lo về lương, thưởng, điều kiện làm việc, các cấp công đoàn còn có trách nhiệm nắm chắc tình hình tư tưởng, tình cảm, kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động. Khi có vướng mắc phát sinh, phải khẩn trương tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động, giải quyết kịp thời mâu thuẫn phát sinh.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đang xây dựng gói kinh phí hỗ trợ cho công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai lũ lụt, hạn hán, bị tai nạn lao động, những gia đình công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những công nhân lâu năm không được về quê ăn Tết.
Theo nắm bắt sơ bộ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khoảng 31,8 triệu người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và 70% người lao động bị giảm thu nhập; trong đó khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 68,9% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng. Tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản là 27%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.