Chưa vào “chính vụ” mùa mưa bão nhưng chiều 6-5, trận mưa to bất ngờ xảy ra đã gây sạt lở đất vùi lấp lán trại của công nhân thi công đường dây 500kV tại khu vực phường Kỳ Liên (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) làm 3 người chết và 4 người bị thương.
Vụ việc thương tâm cảnh báo, chúng ta không được phép lơ là, chủ quan với thiên tai, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là trong thời điểm giao mùa có nhiều hiện tượng khí hậu khó lường, phức tạp như hiện nay.
Còn nhớ cách đây chưa lâu, vào những ngày cuối tháng 4-2024, tại các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Nghệ An, Phú Thọ... đã xuất hiện mưa to đến rất to, mưa dông, mưa đá dày đặc gây tốc mái, thiệt hại nhà cửa, hoa màu của nhân dân.
Tại Hà Nội, trận mưa lớn kèm theo dông lốc đầu tiên của năm nay xảy ra tối 20-4 tại khu vực nội thành đã khiến hàng trăm cây xanh bị đổ, gãy cành. Trong khi đó, đến những ngày cuối tháng 4-2024, cùng với các địa phương trong cả nước, Hà Nội trải qua đợt nắng nóng hiếm gặp và đã ghi nhận những kỷ lục về nhiệt độ.
Những hiện tượng thời tiết cực đoan kể trên xuất hiện được lý giải là do khí hậu trong giai đoạn chuyển mùa, thường xuyên có sự tranh chấp giữa các khối khí có đặc điểm khác nhau khiến khí quyển trở nên bất ổn định hơn. Trong khi đó, theo dự báo, từ nay cho đến tháng 6 tiếp tục là giai đoạn có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa ở Bắc Bộ nên các hiện tượng dông mạnh kèm lốc, sét, mưa đá có khả năng xuất hiện nhiều nhất trong năm. Ở Thủ đô Hà Nội, những trận mưa lớn kèm theo dông lốc có thể xuất hiện gây ngập úng, gãy đổ cây xanh.
Nắm bắt diễn biến phức tạp tình hình thời tiết trong thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND (ngày 4-5-2024) bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành thành phố mùa mưa năm 2024. Theo đó, thành phố yêu cầu, các quận, huyện, thị xã và các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, rà soát công tác duy tu duy trì bảo đảm lòng cống rãnh thông thoáng phục vụ tốt nhiệm vụ thoát nước; thường xuyên kiểm tra, giám sát các vị trí có nguy cơ úng ngập để đôn đốc, chỉ đạo, giải quyết kịp thời. UBND thành phố giao Sở Xây dựng là đầu mối đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị quản lý và duy trì thoát nước xây dựng phương án thực hiện.
Trên bình diện rộng hơn, cơ quan chức năng cần đặc biệt quan tâm và theo dõi chặt chẽ, dự báo thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, thiên tai, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa lớn cục bộ để chính quyền địa phương, đơn vị và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định.
Đặc biệt, chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng và chủ đầu tư các công trình, dự án khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra, kiên quyết không cho phép làm các lán trại, nhà tạm tại những khu vực có nguy cơ ngập úng, xảy ra sạt lở cao, gây nguy hiểm đến tính mạng của công nhân và người dân trong khu vực.
Tựu trung, giải pháp căn bản trong phòng, chống thiên tai là các địa phương không được phép lơ là, chủ quan với thiên tai; cần nắm chắc tình hình và luôn chủ động phương châm “3 sẵn sàng” (chủ động phòng ngừa; kịp thời ứng phó; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) và “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện và vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Các điều kiện chuẩn bị phải luôn bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.