Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mức độ và thái độ

Hoàng Thu Vân| 02/04/2010 06:30

(HNM) - Đầu tháng 3-2010, tại hội nghị giao ban các bộ, ngành về rà soát thủ tục hành chính (TTHC) theo Đề án 30, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc công bố:

Sau đó, ngày 31-3, Bộ GTVT công bố: Ước tính việc đơn giản hóa các TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ sẽ giúp tiết kiệm chi phí xã hội gần 4.900 tỷ đồng mỗi năm. Từ những con số trên có thể hình dung ra bức tranh toàn cảnh về tác hại của các thủ tục giấy tờ trong mớ bùng nhùng của cơ chế "xin - cho", và như người dân hoặc các doanh nghiệp vẫn phàn nàn "hành" là... chính.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay sau khi nhậm chức đã đặt ra một trong những công việc trọng tâm của Chính phủ là chuyển từ cơ chế hành chính "xin - cho" sang nền hành chính phục vụ. Còn UVBCT - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tỏ rõ quan điểm: Chúng ta sẽ để vuột mất những cơ hội mười mươi do hội nhập và những nỗ lực khác đem lại nếu không thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải cách hành chính (CCHC). Trên tinh thần đó, ngay trong năm 2010 này, công tác CCHC được xác định là một trong ba khâu đột phá của Hà Nội.

Suy cho cùng, những chỉ số về tăng trưởng kinh tế xã hội, những đánh giá về thứ hạng cạnh tranh, về mức độ sẵn sàng hội nhập... của đất nước, của từng địa phương, của từng bộ, ngành chịu sự chi phối không nhỏ từ hiệu quả của công tác CCHC. Tuy nhiên, không phải bộ, ngành, cá nhân nào cũng nhiệt tình và quyết liệt với công tác này. Điều dễ nhận thấy nhất là nếu người dân hay doanh nghiệp càng phải ngược xuôi, lên xuống tới hàng năm trời qua các "cửa" để chạy lo hàng chục con dấu nhằm thỏa mãn đủ những quy định về giấy tờ, thì càng tạo đặc quyền, đặc lợi cho một số "vị trí".

Ở một góc độ khác, phải nhìn nhận năng lực chuyên môn, trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ hiện nay vẫn còn những bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu. Vậy nên sự lòng vòng, rườm rà trong các TTHC chính là "tấm lá chắn" kiên cố để không thể quy kết rõ ràng trách nhiệm của bất kể cá nhân, vị trí nào. Như vậy, bên cạnh sự quyết liệt trong CCHC, đơn giản hóa các thủ tục còn cần thực hiện đồng bộ với công tác cán bộ, lựa chọn những người xứng đáng vào các vị trí song song với việc chăm lo vật chất (mà cụ thể là chế độ đãi ngộ) cho đội ngũ cán bộ các cấp...

Sự cần thiết của việc CCHC đối với mọi cấp, mọi ngành là quá rõ ràng, tuy nhiên để công việc này có hiệu quả thì cũng phải đặt ra chỉ tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, từng khoảng thời gian. Có như vậy thì việc CCHC cùng những TTHC cụ thể được bãi bỏ hoặc đơn giản hóa của từng bộ, ngành, địa phương mới trở thành hiện thực. Chúng ta phải tránh hiện tượng chỉ nhận xét, đánh giá chung chung, để rồi những cái "sẽ làm" không biết đến bao giờ mới được thực hiện.

Đơn giản hóa TTHC, riêng Bộ GTVT có thể tiết kiệm được gần 4.900 tỷ đồng mỗi năm. Số tiền ấy còn lớn hơn cả kinh phí đầu tư xây dựng nhà ở cho 200.000 sinh viên trong năm 2010 mà Chính phủ phải huy động nguồn vốn trái phiếu (4.800 tỷ đồng); bằng cả kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho ngành GD-ĐT trong năm 2010 (4.857 tỷ đồng); hoặc tương đương với khoản cho vay từ Quỹ quốc gia hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất, tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu lao động... Nói như thế để thấy rằng, chỉ riêng về lợi ích kinh tế của CCHC đã rất lớn, chứ chưa tính đến nhiều lợi ích mang tính xã hội.

Phía trước là 5.400 TTHC cần rà soát để có thể giản tiện, sửa đổi, hoặc bãi bỏ. Và như báo cáo của nhiều bộ, ngành, ít nhất có thể tiết kiệm được 1/2 chi phí bỏ ra để tuân thủ các TTHC như hiện nay. Lợi ích của cái đang làm và "sẽ làm" trong CCHC đã nhìn thấy rõ. Vấn đề ở chỗ là làm như thế nào với mức độ và thái độ ra sao? Sự phát triển của đất nước, của từng bộ, ngành, thậm chí từng cơ quan, đơn vị phụ thuộc rất nhiều vào điều đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mức độ và thái độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.