Giành thêm 11 HCV, TTVN vững vàng vị trí thứ ba trong bảng tổng sắp toàn đoàn *Điền kinh, bắn súng lập công lớn
Điều đáng quý nhất là trong số 11 HCV giành được trong ngày thi đấu này, có những tấm HCV xứng đáng được gọi là "vàng mười" ở những môn thể thao Olympic cơ bản là điền kinh và bơi lội. Và cũng không thể không nhắc đến sự góp công lớn của đội tuyển bắn súng và canoeing Việt Nam.
Niềm vui của VĐV Karatedo Lê Bích Phương sau khi đoạt HCV. Ảnh: Nguyên Khôi
Sau những thất bát ở ngày thi đầu tiên, điền kinh Việt Nam bước vào ngày thi thứ hai với chiếc HCV đi bộ 20km nữ của Nguyễn Thanh Phúc. Đây là chiếc HCV khá bất ngờ, dù Nguyễn Thanh Phúc đã được đầu tư khá mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Không sa vào những cuộc đua sức của đối thủ dẫn đến bị phá sức, cô đã hoàn thành chiến thuật của BHL và giành kết quả mỹ mãn. Buổi tối cùng ngày, tin vui liên tục bay đến với điền kinh Việt Nam. Ngoài chiếc HCV của Dương Thị Việt Anh (nhảy cao), điền kinh Việt Nam còn có thêm 2 HCV nữa của Trương Thanh Hằng (1.500m; 4'15''77) và Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp, 7.223 điểm). Cả hai đều tỏ rõ thế mạnh của mình, bỏ xa các đối thủ. Trương Thanh Hằng cho hay rằng chỉ thi đấu ở mức vừa đủ đoạt HCV nội dung 1.500m nhưng sẽ cố gắng đạt cả chuẩn Olympic ở nội dung 800m, diễn ra vào ngày 15-11. Tuy nhiên cũng có những tiếc nuối khi Nguyễn Thị Thúy (400m) bung sức quá sớm ở đoạn từ 100m đến 200m dẫn đến bị đối thủ người Thái Lan vượt lên vào mét cuối, đành nhận HCB. Ở nội dung 1.500m nam, cả Nguyễn Đình Cương và Dương Văn Thái đều vỡ chiến thuật trước sự bứt phá từ sớm của Ridwan (Indonesia) dẫn đến vuột HCV. Đã vậy khi gần về đích, Nguyễn Đình Cương còn bị Ridzuan (Malaysia) kéo vai nên chỉ xếp thứ tư.
Tại trường bắn, các xạ thủ Việt Nam cũng có một ngày thi đấu đáng nhớ với việc giành 2 HCV, 1 HCB. Nội dung 50m súng trường nằm, xạ thủ Hà Nội Vũ Thành Hưng lần đầu giành HCV SEA Games trong khi Hà Minh Thành (25m súng ngắn bắn nhanh) còn gây ấn tượng mạnh mẽ hơn. Ngoài việc đoạt HCV sau cuộc đua điểm đầy kịch tính với một xạ thủ Malaysia, xạ thủ này còn phá kỷ lục Olympic ở bài bắn tiêu chuẩn với 584 điểm (kỷ lục Olympic là 583 điểm).
Đội tuyển Karatedo dù lọt vào 7/8 trận chung kết đối kháng nhưng cuối cùng lại chỉ đoạt 1 HCV bởi đương kim vô địch ASIAD 16 Lê Bích Phương. Có thể coi đây là ngày thi đấu đầy tiếc nuối của đội tuyển Karatedo Việt Nam.
Tại hồ bơi Cipule, các tay chèo Việt Nam cũng giành thêm 1 HCV nữa bởi Nguyễn Thành Quang (200m Kayak). Một tay chèo khác được kỳ vọng là Trần Văn Long lại chỉ đoạt HCĐ. Dù sao đội tuyển Canoeing cũng hoàn thành chỉ tiêu 2 HCV.
Trên đường bơi, ngoài tấm HCV cực kỳ quý giá của Hoàng Quý Phước, bơi lội Việt Nam còn giành 1 HCB nhờ VĐV trẻ Nguyễn Thị Ánh Viên. (400m hỗn hợp nữ).
Các HCV khác trong ngày của đoàn thể thao Việt Nam thuộc về Nguyễn Thị Lệ Dung (đấu kiếm) trong một trận chung kết giữa các VĐV Việt Nam, Đinh Thị Như Quỳnh (xe đạp băng đồng).
Kết thúc ngày 13-11, đoàn thể thao Việt Nam vững vàng ở vị trí thứ 3 toàn đoàn với 17 HCV, 18 HCB và 19 HCĐ. Hai vị trí dẫn đầu thuộc về Indonesia và Thái Lan.
Các VĐV Việt Nam đã giành HCV 1. Nguyễn Thị Mai - Kiều Thị Hảo (canoeing, K2 500m nữ) 2. Nguyễn Đình Toàn - Nguyễn Minh Tú (taekwondo, quyền đôi nam - nữ) 3. Thạch Thị Trang (karatedo, đối kháng hạng cân 68kg nữ) 4. Dương Thanh Tâm (taekwondo, đối kháng hạng cân 74kg nam) 5. Vũ Thị Nguyệt Anh (karatedo, đối kháng hạng 50kg) 6. Thể dục dụng cụ đồng đội nam. 7. Nguyễn Thanh Phúc (20km đi bộ nữ) 8. Nguyễn Thành Quang (canoeing đơn nam 200m) 9. Vũ Thành Hưng (50m súng trường hơi nằm bắn) 10. Lê Bích Phương (karatedo, đối kháng hạng cân 55kg) 11. Hà Minh Thành (25m súng ngắn bắn nhanh) 12. Đinh Thị Như Quỳnh (đua xe đạp, băng đồng) 13. Lệ Dung (kiếm chém nữ) 14. Hoàng Quý Phước (bơi bướm 100m nam) 15. Dương Thị Việt Anh (nhảy cao) 16. Trương Thanh Hằng (chạy 1.500m) 17. Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp) |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.