Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mua thuốc không theo đơn của bác sĩ: Hậu quả khôn lường

Hoài Thanh - Linh Nhi| 18/06/2019 07:42

(HNM) - Không cần trình đơn thuốc của bác sĩ chuyên khoa, nhưng người dân dễ dàng mua đủ loại thuốc, kể cả thuốc kháng sinh, giảm đau và các loại biệt dược.

Mua thuốc không theo đơn của bác sĩ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Ảnh: Thái Hiền


Mua thuốc dễ như... mua rau

Vì ngại đến bệnh viện nên hiện nay nhiều người bệnh bỏ qua việc khám bệnh, uống thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ, tự ý mua thuốc điều trị. Việc mua thuốc không theo đơn dễ tới mức nhiều người ví “mua thuốc dễ như... mua rau”, kể cả các loại thuốc kháng sinh dùng phải có chỉ định của bác sĩ như: Penicillin, Erythrormycin, Zinnat…

Có mặt tại nhà thuốc Việt Pháp, số 73 đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), trong vai người mua thuốc điều trị chứng khó thở, phóng viên được người bán thuốc đon đả hỏi han. Sau khi nghe kể triệu chứng, nhân viên bán thuốc lập tức tư vấn liên hồi rằng biểu hiện hắt hơi sổ mũi chắc chắn là do cảm cúm, rồi lấy cho 6 liều cảm cúm cùng một vỉ thuốc kháng sinh Penicillin và dặn: “Nhớ phải uống kháng sinh đủ liều cho nhanh khỏi nhé”.

Tiếp tục đến nhà thuốc Tâm Đức, số 284 phố Khâm Thiên, phường Thổ Quan (quận Đống Đa), phóng viên kể sơ qua tình trạng sức khỏe của con gái 7 tuổi bị sốt, viêm họng, ho có đờm đã 2 ngày, người bán thuốc không cần hỏi đơn, nhanh chóng đưa ra mấy loại thuốc đặc trị hạ sốt, chống viêm, bổ phế và 2 vỉ kháng sinh dù trên hộp thuốc ghi: “Thuốc bán theo đơn”.

Thực tế nhiều người cho biết, việc mua thuốc không cần kê đơn là chuyện bình thường. Nhưng cũng vì việc làm tùy tiện này mà nhiều người đã chuốc thêm bệnh vào người. Chị Lê Thị Hoạt, xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) cho hay chị bị đau khớp, tự mua thuốc về uống nhưng bệnh không giảm mà nặng thêm. Đi bệnh viện khám mới biết nguyên nhân do dùng thuốc không đúng bệnh nên bị biến chứng, rối loạn nội tiết, giảm sức đề kháng, may chưa nguy hiểm tính mạng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết: “Tỷ lệ bệnh nhân vào cấp cứu do tự mua thuốc chữa bệnh khá nhiều, mỗi năm có hàng chục ca. Nguyên do là dùng thuốc điều trị bệnh không đúng, gây suy gan, phải ghép gan, có trường hợp nhiễm trùng nặng, nguy hiểm đến tính mạng”.

Cần xử lý nghiêm

Việc mua thuốc không theo đơn của bác sĩ hay tùy tiện mua theo "tư vấn" của nhân viên bán tại quầy thuốc là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: “Ở nước ngoài, các loại thuốc Amoxicillin, Zitromax 500mg, Tavanic 500mg, Augmentin 625mg, Dalacin 300mg... phải có đơn của bác sĩ mới mua được nhưng ở nước ta thì dễ dàng mua được ở bất cứ đâu”. Tình trạng này khiến người bệnh phải gánh chịu hậu quả về sức khỏe.

Ghi nhận từ Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Xanh Pôn cho thấy, có nhiều trường hợp trẻ nhỏ ban đầu chỉ mắc bệnh thông thường (ho, sốt, tiêu chảy, viêm phế quản...), nhưng đã bị biến chứng nguy hiểm chỉ vì cha mẹ tự ý mua thuốc cho trẻ dùng vô tội vạ. GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho rằng: “Những việc làm tùy tiện kể trên rất nguy hại, vì nếu dùng không đúng thuốc, không đúng liều lượng dễ khiến bệnh thông thường biến chứng thành bệnh nguy hiểm”.

Chia sẻ về việc này, bà Cao Thị Hoa, Trưởng phòng Y tế quận Hai Bà Trưng cho rằng các cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp để tăng cường quản lý cơ sở hành nghề y dược. Tại quận Hai Bà Trưng, từ chủ động giao chỉ tiêu kiểm tra, giám sát cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập cho 20 phường, quận còn tăng cường kết nối các cơ sở cung ứng thuốc.

Để kiểm soát chặt chẽ việc bán thuốc không kê đơn, giải pháp sử dụng công nghệ thông tin để kết nối các cơ sở cung ứng thuốc nhằm loại bỏ hành vi gian lận đã được thành phố Hà Nội áp dụng. Theo đó, từ đầu năm 2019, Hà Nội bắt đầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn địa bàn và hiện 100% cơ sở đã thực hiện việc này. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội): Khoản 1, Điều 40 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc mà không có đơn thuốc bị xử phạt 200-500 nghìn đồng. Mức phạt này là quá thấp, không đủ sức răn đe nên nhà thuốc chấp hành chưa nghiêm, kết nối không đủ danh mục loại thuốc cung ứng.

Công tác kiểm tra cũng chưa thường xuyên khiến nhiều cơ sở bán lẻ thuốc vì lợi nhuận vẫn tiếp tục vi phạm. Tại Thông tư 52/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế cũng đã quy định rõ việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú. Chính vì vậy, việc các nhà thuốc không tự giác kết nối đủ các loại thuốc cung ứng, bán thuốc không kê đơn cũng có nguyên nhân từ công tác quản lý chưa chặt chẽ, xử phạt các vi phạm chưa được thực hiện nghiêm.

Để chấm dứt tình trạng này, trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân tuân thủ quy định phải đi khám bệnh trước khi mua thuốc điều trị, tránh hệ lụy xấu về sức khỏe thì các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu nhập, bán hàng của các nhà thuốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mua thuốc không theo đơn của bác sĩ: Hậu quả khôn lường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.