Nhiều ô tô cũ kém chất lượng đã được giới cò lái sửa chữa, “mông má” lại để bán với giá cao. Xe ngập nước, tai nạn hay “nhiều tuổi” đều có thể “bùa” lại để tung ra thị trường.
Ông Lê Đức Toàn, chủ một cửa hàng chuyên bán xe cũ trên đường Phạm Hùng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) cho biết, hiện nay có rất nhiều người dân quan tâm và muốn mua xe ô tô cũ. Tuy nhiên, thị trường xe ô tô cũ lại rất phức tạp bởi giới buôn xe và cò lái có “muôn hình vạn trạng”.
Với kinh nghiệm bán xe cũ hơn 20 năm tại TP Hồ Chí Minh thì ông Toàn cho rằng, nhiều người buôn xe và cò lái đang đặt lợi nhuận lên trên hết và bất chấp “chiêu trò” để có lợi nhuận.
“Họ không cần giữ uy tín lâu dài đâu, kể cả bán xe cho bạn bè hay người quen đi nữa thì dụ dỗ được là họ dụ thôi. Tôi còn bị lừa vài lần nữa, huống chi là khách hàng mua xe”, ông Toàn nói.
Khách hàng mua xe ô tô cũ rất dễ bị nhầm nếu dân buôn cố tình “bùa” xe. |
Theo ông Toàn, giới buôn xe và cò lái thường không nói sự thật về tình trạng xe cho khách biết. Xe bị tai nạn hay ngập nước cũng sẽ được các thợ lành nghề sửa chữa, tân trang lại và rất khó phát hiện xe bị lỗi khi đã “mông má”. Sở dĩ dân buôn nhập những chiếc xe cũ kém chất lượng về bán là do giá thành thấp. Sau khi cho thợ “bùa” xe thì giá thành chiếc xe cũng không tăng đáng kể.
Khi mọi việc đã hoàn thành, những chiếc xe ô tô cũ kém chất lượng sẽ được bán trên mạng với giá hấp dẫn. Người mua không cẩn thận, ham rẻ sẽ “dính bẫy”.
“Khách hàng tìm xe cũ thường muốn mua những chiếc xe có số đồng hồ công tơ mét nhỏ. Thế nhưng, chiếc xe đi cả chục năm làm sao chỉ chạy 50.000 – 60.000km được, loại này rất hiếm. Chính vì tâm lý đó mà nhiều cò lái đã “tua” lại đồng hồ công tơ mét từ vài trăm ngàn kilomet về mức chỉ mấy chục ngàn kilomet”, ông Toàn chia sẻ.
Ông Trần Văn Dương, đại diện một cửa hàng bán xe cũ uy tín tại TP Hồ Chí Minh nhận định, việc đăng kiểm xe ô tô cần được “siết” chặt hơn nữa thì thị trường xe cũ mới “sáng sủa” hơn được. Bởi theo ông Sơn, hiện nay có nhiều chiếc xe cũ bị tua đồng hồ công tơ mét khiến người dân mua nhầm.
“Tôi lấy ví dụ, cùng một chiếc xe hơi, năm 2017 đăng kiểm là 200.000km rồi nhưng đến năm 2018 thì chiếc xe này lại chỉ mới chạy 70.000km thì rõ ràng là có vấn đề rồi. Và người chủ mới của chiếc xe chính là người bị thiệt hại do mua nhầm”, ông Sơn nói.
Việc “bùa” xe của những người làm ăn bất chính sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khách hàng và những người kinh doanh uy tín. |
Cũng theo ông Sơn, khách hàng mua nhầm chiếc xe “già” nhưng vẫn nghĩ là mình mua được chiếc xe ít chạy. Đến khi xe đổ “bệnh” thì lại có ác cảm với xe cũ và mất niềm tin đối với loại xe này. Việc khách hàng sợ mua xe cũ cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với những người kinh doanh xe uy tín.
Ông Sơn cho rằng, khách hàng phải được mua xe đúng với giá trị thực tế và việc này rất cần có sự vào cuộc của lực lượng đăng kiểm. Thông tin về những chiếc xe cũ cần được kiểm soát chặt chẽ thì người tiêu dùng mới mua được những chiếc xe đúng giá trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.