Việc Nhật Bản tới nay đã cấm hầu hết các giao dịch ô tô qua sử dụng tới Nga, không chỉ chặn đứng kênh thương mại trị giá tới 2 tỷ USD mỗi năm, mà còn cho thấy những “làn sóng ngầm” mà các lệnh trừng phạt liên quan tới xung đột Ukraine đã và đang tạo ra.
Nhật Bản là nước xuất khẩu ô tô đã qua sử dụng hàng đầu trong nhiều thập kỷ. Thực tế này đến từ việc hệ thống kiểm định bắt buộc đẩy chi phí bảo dưỡng ô tô qua sử dụng ngày càng cao hơn, trong khi chi phí cho việc mua xe mới lại thấp. Hệ quả tất yếu là sự ra đời của một ngành công nghiệp xuất khẩu mới “chịu trách nhiệm” gửi hàng trăm ngàn ô tô mua lần đầu tại Nhật Bản tới những đích đến trải dài từ Malaysia đến Mông Cổ, từ Pakistan đến Tanzania. Trong đó, Nga luôn là một khách hàng lớn, thậm chí nhập khẩu hơn một nửa số xe đã qua sử dụng của Nhật Bản trong năm 2022.
Sau khi xung đột Ukraine bùng nổ, Nhật Bản vào tháng 4-2022 đã cấm xuất khẩu các loại xe hạng sang tới Nga, một phần trong lệnh trừng phạt liên quan tới các mặt hàng xa xỉ. Tháng 6-2022, Tokyo tiếp tục bổ sung lệnh cấm xuất khẩu xe tải hạng nặng. Từ đầu tháng 8-2023, Tokyo cấm xuất khẩu tất cả các loại ô tô, trừ xe cỡ nhỏ (subcompact), như Toyota Yaris hoặc Honda Fit, sang Nga. Động thái này gần như cắt đứt hoàn toàn một kênh giao thương béo bở các loại xe Toyota, Honda và Nissan đã qua sử dụng đối với mạng lưới kinh doanh gồm các nhà môi giới và các cảng quy mô nhỏ, đặc biệt là ở Fushiki (tỉnh Toyama), một trung tâm xuất khẩu trên biển Nhật Bản chỉ nằm cách thành phố Vladivostok của Nga khoảng 800 km.
Tuy nhiên, một thực tế là nhu cầu của Nga đối với các loại ô tô cũ từ Nhật Bản tăng mạnh sau khi các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, bao gồm cả “ông lớn” Toyota, phải dừng hoạt động và rút khỏi Xứ Bạch dương do lệnh trừng phạt liên quan tới xung đột.
Năm 2022, bất chấp các lệnh trừng phạt được thắt chặt, Nga đã nhập khẩu khoảng một phần tư lượng xe cũ xuất khẩu của Nhật Bản với mức giá trung bình 8.200 USD, là mức giá cao gấp đôi so với con số của năm 2020 – thời điểm Nga chỉ nhập khẩu khoảng 15% lượng xe cũ xuất khẩu của Nhật Bản.
Năm 2023, con số này được dự đoán có thể đạt 1,9 tỷ USD nếu không vấp phải các các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn từ phía Tokyo. Theo số liệu từ cơ quan phân tích Autostat của Nga, hơn một nửa trong khoảng 303.000 ô tô đã qua sử dụng được Nga nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm (trước khi có lệnh cấm mới nhất) là từ Nhật Bản. Đây là tỷ trọng đáng kinh ngạc khi đặt cạnh doanh số 606.950 xe mới, chủ yếu là của các thương hiệu Nga và Trung Quốc, bán ra cùng kỳ tại Nga.
Bên cạnh tác động xóa sổ nguồn cung xe đã qua sử dụng lớn nhất của Nga, các lệnh trừng phạt nói trên đã làm giảm giá ô tô cũ ở Nhật Bản. Theo dữ liệu của nhà đấu giá ô tô USS (Nhật Bản), giá bán ra của xe cũ trung bình đã giảm 7%. Nhu cầu thấp khiến các doanh nghiệp môi giới liên quan hoạt động xuất khẩu xe cũ điêu đứng.
Reuters dẫn phát biểu của Giám đốc điều hành Wataru Nishiwaki của Element Trading, một đại lý xe hơi đã qua sử dụng ở tỉnh Niigata giáp với Toyama, cho biết doanh nghiệp này đã chứng kiến tỷ trọng kinh doanh liên quan tới Nga giảm từ mức cao nhất trên 50% xuống dưới 20%. Về phần mình, SV Alliance, một doanh nghiệp xuất khẩu ô tô hai năm tuổi có trụ sở tại Toyama, đã gửi trung bình khoảng 6.500 ô tô đã qua sử dụng đến Nga mỗi tháng cho đến tháng 7-2023. "Hoạt động kinh doanh suy giảm khoảng 70% và chúng tôi đã phải để một số nhân viên ra đi", Olesya Alekseeva, điều phối viên hậu cần tại SV Alliance cho biết.
Thực tế trên đồng nghĩa, lúc này các nhà môi giới Nhật Bản chỉ còn cách tranh giành kênh thương mại để xuất khẩu xe đến các khu vực xa xôi, với lượng tiêu thụ ít hơn, đặc biệt là các thị trường sử dụng xe tay lái nghịch như New Zealand, một số nước Đông Nam Á và châu Phi.
Trong cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương Nhật Bản như tỉnh Toyama, việc kinh doanh ô tô đã qua sử dụng mang lại tới 2-3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Do đó, các biện pháp trừng phạt liên quan tới mặt hàng này có thể mang tới những tác động nghiêm trọng. Trong khi đó, nhiều nhận định cho rằng xe đã qua sử dụng khi không thể xuất khẩu có khả năng quay ngược trở lại thị trường Nhật Bản, tác động tiêu cực tới doanh số xe mới và môi trường.
Bên được lợi hiếm hoi từ sự sụt giảm giá thành nằm ở một lĩnh vực ít ai ngờ tới: Tái chế. Theo Giám đốc điều hành Yutaka Horie của công ty tái chế pin 4R Energy, liên doanh giữa Nissan và Sumitomo này đã khởi sắc trong bối cảnh nguồn cung được đảm bảo, khi xe cũ dư thừa và có giá rẻ.
Đối mặt với sự xáo trộn đáng kể, Chính phủ Nhật Bản lúc này tỏ ra thận trọng. Giám đốc chính sách thương mại ô tô tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Takanori Kikuchi khẳng định, Tokyo đang theo dõi chặt chẽ để đánh giá tác động từ các biện pháp trừng phạt mới liên quan tới việc cấm xuất khẩu xe đã qua sử dụng tới Nga.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.