Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mùa lễ hội 2012: Còn đó những nỗi lo

Minh Ngọc| 15/01/2012 06:48

(HNM) - Tết đến, xuân sang, một mùa lễ hội (LH) mới lại về trên khắp mọi miền đất nước. Thời điểm này, nhiều địa phương đã xây dựng các phương án chuẩn bị cho LH xuân Nhâm Thìn để một mùa LH mới sẽ bớt những điều

Hội chùa Hương là lễ hội lớn nhất nước diễn ra vào dịp đầu xuân năm mới.
Ảnh: Quốc Khánh


Nâng "chất" của lễ hội

So với hơn 8.000 LH lớn nhỏ ở Việt Nam, LH đền Trần (Nam Định) tuy không kéo dài và mới "nổi" vài năm trở lại đây nhưng lại gây bức xúc trong dư luận và làm đau đầu các nhà quản lý. Khắc phục tình trạng này, LH đền Trần xuân Nhâm Thìn sẽ được trả về đúng chủ thể, tức là Nhà nước chỉ quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đêm 14 tháng Giêng, nhân dân phường Lộc Vượng sẽ rước ấn từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường và làm lễ khai ấn theo nghi thức cổ truyền, đồng thời đóng 11 lá ấn dâng tại các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng. Từ 23h30 trở đi, khách thập phương có thể vào lễ đầu năm tại đền Thiên Trường, Cố Trạch và Trùng Hoa. Từ 7h ngày Rằm tháng Giêng sẽ tổ chức phát ấn tại ba nhà Giải vũ thuộc ba đền, phía trước nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một số điểm tại khu vực vườn cây trước cửa đền. Chất liệu ấn năm 2012 thống nhất một loại bằng giấy, bảo đảm tiết kiệm và không ô nhiễm môi trường, thời gian phát ấn kéo dài đến hết tháng Giêng. Bên cạnh đó, thành phố Nam Định sẽ mời các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp công diễn ở tụ điểm tập trung đông du khách, nhằm "chia tải" cho khu vực phát ấn.

Không đến mức "căng" như LH đền Trần, song LH chùa Hương diễn ra trong thời gian dài cũng còn nhiều điều cần chấn chỉnh. Hướng tới mùa LH trật tự, văn minh, huyện Mỹ Đức đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng và đưa dây chuyền xử lý rác thải vào sử dụng, mở rộng bến đò Thiên Trù nhằm giải quyết ách tắc giao thông đường thủy, nâng cấp tuyến giao thông tỉnh lộ 419, cải tạo công trình vệ sinh công cộng… Chính quyền địa phương cũng đã quy hoạch 320 hàng quán cho phù hợp cảnh quan và giao thông; đã chuẩn bị 4.300 xuồng đò (có thể vận chuyển 5,5 vạn khách/ngày) và sẽ xử phạt chủ đò xin tiền "bồi dưỡng" của khách. Một điểm mới nữa của LH chùa Hương năm nay là BTC sẽ kiểm tra, quản lý chặt chẽ vé thắng cảnh; sẽ xử phạt vi phạm hành chính từ 100 đến 300 nghìn đồng đối với hành vi vứt rác không đúng nơi quy định…

Tương tự, LH Yên Tử (Quảng Ninh) năm 2012 hướng tới mục tiêu: "Trang trọng, tiết kiệm, vui tươi và an toàn". Đón mùa LH này, BQL Khu di tích và danh thắng Yên Tử đã hoàn thiện việc tu bổ, tôn tạo nhiều di tích quan trọng, bố trí lực lượng bảo vệ, lực lượng trực cấp cứu ở những nơi đông người. Lễ khai mạc Hội xuân Yên Tử năm nay, ngoài các nghi lễ trang nghiêm còn có phần hội sinh động, hấp dẫn…

Điểm qua một vài LH lớn để thấy, các địa phương rất chủ động, tích cực với mong muốn "chất" của LH sẽ được cải thiện.

Quản lý tiền lễ, đốt đồ mã: Vẫn gian nan

Mặc dù các địa phương chuẩn bị cho các LH khá công phu, song điều mà nhiều nhà quản lý văn hóa lo ngại vẫn là việc làm thế nào để hướng dẫn người dân sử dụng tiền lễ đúng mục đích, văn minh và quản lý tiền “giọt dầu” thế nào cho tốt, cũng như bài trừ hủ tục đốt vàng mã gây mất mỹ quan, phản cảm, lãng phí trong các LH.

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL cho biết: Qua kiểm tra, Thanh tra Bộ đã phát hiện phủ Dầy (Nam Định), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Kiếp Bạc (Hải Dương), đền Trần (Thái Bình)… lập thêm các ban thờ, đặt hòm công đức, đĩa để tiền "giọt dầu". Việc đặt tiền lễ phổ biến đến mức nó ăn vào ý thức người dân khiến những nơi không có chỗ đặt tiền thì họ tùy tiện giắt tiền vào tay tượng Phật, ném tiền vào hậu cung như ở phủ Tây Hồ, động Hương Tích, chùa Trấn Quốc (Hà Nội), chùa Bái Đính (Ninh Bình)... PGS.TS Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn hóa) đã nhiều lần lên án đây là sự "hối lộ thánh thần". Minh chứng cho tình trạng trên là thực tế tiếp nhận hàng tỷ đồng tiền lẻ từ chùa Hương mỗi năm của Ngân hàng Agribank Chi nhánh Mỹ Đức (Hà Nội). Theo phản ánh của ngân hàng này, tiền lẻ đưa đến thường vào thời điểm mùa LH kết thúc, song do lượng tiền lẻ quá nhiều khiến cán bộ tín dụng của ngân hàng phải vất vả kiểm đếm...

Hành vi "hối lộ thánh thần" bằng tiền lẻ không chỉ làm mất đi vẻ trang nghiêm, thanh tịnh nơi cửa Phật mà còn là nguyên nhân khiến một bộ phận không nhỏ người dân coi đồng tiền mệnh giá nhỏ là tiền để đi lễ, làm ảnh hưởng đến việc lưu thông tiền tệ và nảy sinh nhiều loại hình kinh doanh tiền lẻ để trục lợi. Ngày 6-1, Ngân hàng Nhà nước đã phải có công văn gửi Bộ VH,TT&DL và Ban Tôn giáo Chính phủ về việc sử dụng đồng tiền hợp lý trong các hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng. Hiện, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản yêu cầu, hướng dẫn các địa phương sử dụng đồng tiền hợp lý bắt đầu từ mùa LH năm 2012. Tuy nhiên, hành vi này có giảm hay không, không chỉ phụ thuộc vào các quy định hành chính, bởi như Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Phú Thọ Phạm Bá Khiêm khẳng định thì đây là một vấn đề rất khó trong quản lý LH.

Nếu như chuyện quản lý tiền "giọt dầu" chưa có chế tài xử lý thì việc đốt đồ mã tại các di tích, LH đã được quy định trong Nghị định 75 của Chính phủ. Song, theo Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL Phạm Xuân Phúc, nghị định có hiệu lực hơn một năm (từ ngày 1-9-2010), thanh tra các cấp cũng đã thường xuyên thanh tra, kiểm tra tại các di tích, LH nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có trường hợp nào bị xử phạt. Theo ông Phúc, nếu không có lệnh cấm sản xuất thì việc xử phạt các hành vi đốt đồ mã sẽ lâm vào tình trạng bế tắc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mùa lễ hội 2012: Còn đó những nỗi lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.