Bạn đọc

Ngăn chặn nạn mua bán giấy tờ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội

Kim Vũ 19/01/2024 - 06:39

Thời gian qua, nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến mua bán giấy tờ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội để trục lợi đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Tuy vậy, hiện nay việc mua bán các giấy tờ này vẫn diễn ra khá công khai dù cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực kiểm tra, giám sát.

bhxh.jpg
Giải quyết thủ tục cho người lao động tại Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội.

Sôi động mua bán trên mạng xã hội

Để tìm kiếm thông tin mua giấy tờ giả, phóng viên Báo Hànộimới đã tham gia nhóm “Giấy nghỉ bệnh bảo hiểm xã hội” trên Facebook, ghi nhận có nhiều tài khoản công khai mua bán giấy nghỉ bệnh, xét nghiệm, nhập viện, bệnh án...

Điển hình, tài khoản tên Khả Ái ngày nào cũng đăng thông tin, kèm nhiều hình ảnh giấy tờ có con dấu, chữ ký của giám đốc bệnh viện tại hầu hết các bệnh viện trong cả nước. Khi nhắn tin cho số điện thoại 0582.836..., đề nghị mua giấy nghỉ ốm tại Hà Nội thì Khả Ái báo giá 450.000 đồng cho giấy nghỉ ốm 7 ngày, xác nhận của Bệnh viện Bạch Mai. Nếu khách hàng đồng ý, chủ tài khoản này sẽ chuyển giấy ra Hà Nội ngay khi khách hàng xác nhận thông tin qua Zalo, chuyển khoản tiền.

Tiếp tục tìm hiểu tại nhóm “Giấy nghỉ ốm các loại” cho thấy, thị trường mua bán giấy nghỉ ốm, giấy tờ liên quan đến bệnh viện khá sôi động. Tài khoản Quách Xuân Hiến công khai giấy khám sức khỏe lấy trong ngày, với giá giấy A4: 50.000 đồng; giấy A3 không ảnh: 100.000 đồng; giấy A3 có ảnh đóng dấu giáp lai 160.000 đồng. Tài khoản này cũng bán giấy nằm viện, giấy ra viện có giá cao hơn, khách cần thì liên hệ theo số điện thoại 0977.463...

Theo quan sát, có rất nhiều người lao động công khai hỏi giá, cách mua giấy nghỉ ốm để thanh toán bảo hiểm xã hội. Chẳng hạn, tài khoản Huy Tâm Phan, Hướng Thu Mai, Thu Hằng... vừa đăng tải thì nhận được hàng chục phản hồi là có sẵn giấy, liên hệ để được giao dịch.

Không chỉ trên mạng xã hội, nhiều người than vãn khi là nạn nhân của tin nhắn rác, mời làm các loại giấy tờ giả, trong đó có những giấy tờ để hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.

“Các số điện thoại 09462858...; 09774415...; 09773723... thường xuyên nhắn tin mời chào, gây phiền nhiễu. Tôi không nghĩ rằng việc làm giấy tờ giả lại được rao bán công khai như thế”, chị Nguyễn Hoàng Thùy, phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ.

Hành vi trái pháp luật

Tuyệt đối không dùng giấy tờ mua bán bên ngoài, đây là cảnh báo của Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội) Dương Thị Minh Châu trước tình trạng nhiều lao động mua giấy nghỉ ốm thông qua mạng xã hội.

Bà Châu cho biết, khi tiếp nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động, đơn vị rà soát, kiểm tra, đối chiếu chứng từ rất kỹ từ các cơ sở khám chữa bệnh. Do đó, khi phát hiện giấy tờ, chứng từ không khớp với thông tin từ các cơ sở thì đơn vị không chi trả, đồng thời gửi thông tin đến các cơ quan chức năng liên quan để điều tra, làm rõ.

Đưa ra dẫn chứng, bà Châu cho biết, tháng 4-2023, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội tiếp nhận 7 hồ sơ là giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội của 7 công nhân Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi Hanel. Sau khi đối chiếu hồ sơ từ các bệnh viện, đơn vị phát hiện có dấu hiệu giả mạo giấy tờ nên đã tạm dừng giải quyết chế độ và chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng. Qua điều tra, Công an quận Long Biên xác định, 7 công nhân đã mua giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội giả thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo. Tòa án đã xử phạt hành chính với 7 lao động, xử phạt 26 tháng tù treo với đối tượng bán giấy tờ giả.

“Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã đăng cảnh báo công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị, đồng thời thông báo đến các cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan, đơn vị để siết chặt việc kiểm tra với các loại giấy tờ nghỉ để hưởng chế độ, tránh tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội”, bà Châu nói.

Trao đổi vấn đề này, luật sư Nguyễn Xuân Toán (Công ty Luật Tản Viên Sơn - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm mà người có hành vi khai báo gian dối giấy tờ để hưởng lợi từ bảo hiểm xã hội có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Tại Điểm A, Khoản 1, Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, người lao động mua giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội giả mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng, nộp lại cho cơ quan bảo hiểm xã hội số tiền đã nhận.

Hành vi dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội có thể bị xử lý hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội tại Điều 214 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017...

Cần khẳng định rằng, hành vi khai báo gian dối như làm giả hồ sơ y tế, mua giấy tờ nghỉ ốm giả... được xác định là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều lao động thiếu hiểu biết lén lút mua những loại giấy tờ giả để trục lợi, tiếp tay cho việc làm trái luật pháp của nhiều đối tượng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần mạnh tay kiểm tra, xử lý để ngăn chặn những hành vi sai trái này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn nạn mua bán giấy tờ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.