(HNM) - Bàng hoàng, lạnh sống lưng là những cảm giác của hầu hết các bậc phụ huynh khi xem video clip một học sinh nữ bị bạn hành hung. Ai cũng đặt câu hỏi rằng nếu đó là con em mình thì sao? Vâng, dẫu chưa phải con em mình cũng đã khiến chúng ta không thể không bất bình, đau xót.
"Tiên học lễ..." - triết lý ấy từ khi cắp sách đến trường chắc ai cũng được học. Thế nhưng dường như một bộ phận thế hệ trẻ bây giờ đang muốn thể hiện cái "tôi" một cách mạnh mẽ và đánh mất đi lễ nghĩa làm người. Việc đánh lộn lẫn nhau mới chỉ là một phần trong những biểu hiện bất thường khi việc thiếu tôn trọng thầy cô, coi thường kỷ luật của nhà trường; xa rời chuẩn mực đạo đức truyền thống; gian lận trong thi cử... đang được nhắc đến khá thường xuyên với học sinh. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh với các bậc phụ huynh, ngành giáo dục và cả xã hội. Nhiều quan điểm cho rằng nhà trường hiện nay mới chỉ coi trọng việc dạy chữ, xem nhẹ hoặc bỏ qua nội dung cực kỳ quan trọng là dạy làm người. Thậm chí, có người còn quan niệm "tiên học lễ" chỉ dành cho học sinh bậc thấp, còn với các em lớn thì chỉ tập trung "học văn".
Kết quả một cuộc điều tra hồi cuối năm 2009 ở 7 trường học các cấp trên địa bàn Hà Nội thì có tới 77,7% (trong số 1.043 phiếu hỏi) trả lời là chưa bao giờ được học kỹ năng sống. Còn một cuộc điều tra với 500 học sinh THCS ở một quận của TP Hồ Chí Minh: 32,2% học sinh có thái độ vô lễ với thầy, cô giáo; 38% học sinh thường xuyên nói tục...
Tiếc là những điều xấu xa tưởng như không thể có trong nhà trường lại đang diễn ra. Trách nhiệm chính thuộc về ai?
Có người cho rằng, trách nhiệm ấy thuộc về nhà trường, về giáo dục. Điều này cũng có lý khi chương trình đào tạo còn chưa thực sự toàn diện cả về kiến thức và đạo đức, đó là chưa kể tình trạng vì bệnh thành tích mà nhiều thầy cô còn chưa dám đối mặt với sự thật. Song cũng cần nhận thức rõ việc giáo dục học sinh biết ứng xử có văn hóa không phải là nhiệm vụ riêng của nhà trường mà gia đình, xã hội cũng cần tham gia, có sự gắn kết. "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng". Nếu môi trường lành mạnh thì học sinh sẽ hấp thụ những điều tốt. Ngược lại nếu môi trường thiếu lành mạnh thì các em sẽ bị ảnh hưởng xấu. Gia đình, nhà trường phải cùng lo giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử của học trò. Pháp luật phải chứng minh hiệu lực để các em biết tôn trọng người xung quanh. Các quy tắc xã hội phải là cơ sở để các em thấm nhuần tư tưởng lễ nghĩa, tôn trọng người xung quanh, sống vì nhau, vì cộng đồng. Chứ ở trường, học sinh được dạy phải lễ phép, nhưng khi về nhà thấy cha mẹ mình làm điều ngược lại thì hẳn các em chẳng lễ phép được. Hoặc khi ở ngoài xã hội các em luôn tiếp xúc với các loại hình văn hóa bạo lực thì cũng thật khó cho công tác giáo dục của gia đình và nhà trường.
"Tiên học lễ, hậu học văn", nguyên tắc giáo dục Nho gia ấy được coi là sự kết hợp giữa gieo mầm nhân cách với truyền dạy tri thức, nên đặc biệt đề cao yêu cầu giáo dục đạo đức và khẳng định vai trò trung tâm của người giáo viên. Giáo dục trong nhà trường là đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển và hình thành nhân cách học sinh. Chính vì thế, bắt đầu từ mỗi trường học, cần xây dựng một hệ giá trị văn hóa chuẩn mực, với những quy tắc ứng xử cụ thể trong học đường làm định hướng cho học sinh trước khi bước ra ngoài xã hội, trở thành một công dân tốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.