Lịch sử với hậu thế là những sự kiện, những con số, những tên người... mà nếu không phải là người đam mê tìm hiểu, thật không dễ đọc và ghi nhớ.
Nhưng, vẫn lịch sử ấy nếu được khoác tấm áo câu chuyện đời, về thân phận và về tình yêu, lại có thể khiến người ta khó lòng quên đi. “Trăng tan đáy nước”, tập truyện ngắn dã sử của cây bút trẻ Hoàng Yến, đã để lại nhiều nốt vang, vương vất và day dứt tâm can người đọc.
Không phải tất cả những con người, địa danh và sự kiện trong tập truyện đều là thật, mà tác giả Hoàng Yến đã “len” vào từng khoảng trống trong lịch sử để tạo nên câu chuyện của riêng mình, xây dựng thêm nhân vật để giúp cổ nhân “lên tiếng”, để “họ tự kể mối tình tơ, họa lại thời khắc điêu linh, dệt nên giang sơn thịnh thế”. Đó là góc nhìn chưa từng có về câu chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy trong “Trăng tan đáy nước” đưa độc giả vén màn sương quá khứ hư thực thực hư để xem kẻ lầm lỡ khiến nước mất nhà tan rốt cuộc là ai? Đó là “Gió đông” khiến người đọc băn khoăn mãi, hoàng hậu Chiêu Thánh đã qua một lần đò, rồi nửa đời sau của nàng có cập bến bờ hạnh phúc; nhân duyên như là tơ mảnh, tự tay nàng rồi có dệt thành gấm son? Đó là “Chuyện cũ ở Hoa Lư” phải chăng đã giải tiếng oan bao đời nay về vua Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa Triều) vô đạo hoang dâm, bia miệng thế gian ấy liệu đúng được mấy phần hay thực ra đó là vỏ bọc cho một trái tim đế vương “tới tận lúc chết vẫn không thể nào buông bỏ được gánh nặng sơn hà”?
Bao đời nay, tình yêu vẫn luôn là chủ đề được người đời quan tâm, thế nên những câu chuyện tình cứ nối tiếp được kể trong ngàn vạn cuốn sách chẳng giống nhau. “Trăng tan đáy nước” bắt đầu từ thành Cổ Loa với mối tình bi thương khiến nhà tan nước mất của Mỵ Châu - Trọng Thủy, trải qua hai thiên niên kỷ, kết lại bằng mối nhân duyên giữa Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương trong “Vạn dặm trùng dương”. Những mối tình trong “Trăng tan đáy nước” thật đẹp mà cũng đầy khắc khoải. Trong “Nam chinh” là “nhân duyên như gió nước mây trời, gió đùa mặt hồ, mây tan nhòa trong đáy nước” giữa công chúa An Tư và tướng giặc Nguyên Mông, tình yêu ấy liệu có khi nào nặng hơn nợ nước, thù nhà? Trong “Thượng Dương” là những hy sinh trong lặng câm không thể nào đong đếm của Quân Dao với tình yêu của đời mình, mà chàng cho đến khi đã về thế giới bên kia chắc có lẽ chẳng hề hay biết. Hay “Sương giăng vạn kiếp” xoay quanh quãng đời tuổi trẻ của Hưng Đạo Vương từ vụ cướp dâu chấn động cho tới nỗ lực vượt qua rào cản thù nhà, chân chính trở thành người anh hùng dân tộc “làm tôi tận trung làm quan trong sạch”.
Những số phận con người ấy, những đoạn tình cảm ấy, thật ra, khi đặt cạnh vạn dặm non sông trải qua hai thiên niên kỷ lại ngắn ngủi và nhỏ bé vô cùng. Nhưng khi sợi tơ tình tưởng như nhỏ bé mong manh ấy được kể bằng ngôn ngữ đầy chất thơ, huyền hoặc và da diết, bỗng trở nên thật dai dẳng, thật bền lâu trong lòng người đọc, khiến đôi tay, đôi mắt người đọc phải cuống cuồng lục tìm lại lịch sử, để so sánh xem giữa chính sử trong đời và dã sử trong truyện, giống và khác nhau mấy phần. Mặc dù ở những trang cuối cùng của tập truyện, những thật giả, thực hư được “bật mí” ngay sau khi độc giả đã thưởng thức trọn vẹn cuốn sách, nhưng dường như những thông tin ấy chưa đủ để thỏa mãn sự tò mò và phấn khích của không ít người đọc. Và như thế, phải chăng cuốn sách đã thành công đúng như mong muốn của chính tác giả: “Tôi không có tham vọng chạm tay vào sự thật lịch sử. Điều tôi muốn là cho bạn một lý do để bắt đầu say với lịch sử Việt Nam”.
Tập truyện ngắn “Trăng tan đáy nước” do Linh Lan Books và NXB Phụ nữ Việt Nam liên kết xuất bản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.