Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một số quốc gia châu Âu có tỷ lệ tiêm chủng thấp: Nguy cơ làn sóng Covid-19 mới

Thùy Dương| 16/09/2021 06:09

(HNM) - Mặc dù đã có hơn 70% dân số trưởng thành tại Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm chủng 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, song gần một nửa số quốc gia thành viên EU vẫn đang tụt hậu trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng. Trong bối cảnh biến chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 rất dễ lây lan, châu Âu đứng trước nguy cơ hứng chịu những làn sóng dịch Covid-19 mới vào mùa thu và mùa đông tới.

Một trung tâm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 ở Bulgaria vắng bóng người đến đăng ký tiêm.

Theo các nhà chức trách châu Âu, trong khi 80% dân số trưởng thành ở các nước như Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha... đã được tiêm phòng, thì tỷ lệ tiêm chủng của các quốc gia Trung và Đông Âu đều dưới 70%. Cao nhất là Hungary (68,2%), thấp nhất là Bulgaria (23%), trong khi con số này của Hy Lạp là 68,1%, Cộng hòa Séc 66,2%, Estonia 65%, Ba Lan 60,1%, Croatia 51,5%, Romania 32%.

Nhật báo New York Times (Mỹ) nhận định, tỷ lệ tiêm chủng cao ở các nước Tây Âu là một thành tựu khi hồi đầu năm EU còn bị chỉ trích về việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 chậm chạp. Các quốc gia như Pháp, Đức sắp tiêm mũi thứ ba cho hàng triệu người, còn Tây Ban Nha đang hướng tới mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho 90% dân số.

Tuy nhiên, ở một số quốc gia Trung và Đông Âu tỷ lệ tiêm chủng đã giảm trong những tuần gần đây, đặc biệt là ở Ba Lan và Slovakia. Trong khi đó, các ca tử vong do Covid-19 ở Bulgaria và Romania có xu hướng tăng trở lại. Đây đều là những quốc gia mà chiến dịch tiêm vắc xin được triển khai đồng thời nhờ các khoản hỗ trợ từ Ủy ban tài trợ vắc xin phòng Covid-19 của EU.

Ông Ivan Krastev - nhà khoa học chính trị người Bulgaria cho rằng, vấn đề không phải từ sự khan hiếm vắc xin. Thay vào đó, những thông tin sai lệch và sự thiếu hiểu biết về lợi ích của việc tiêm chủng dường như là nguyên nhân dẫn đến việc tiêm chủng thấp ở Trung và Đông Âu.

Theo thống kê, Romania là nước đầu tiên ở EU dỡ bỏ các hạn chế và thực hiện biện pháp nới lỏng, nhưng đứng trong nhóm cuối về tỷ lệ tiêm chủng. Bulgaria, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong EU, cũng có tỷ lệ tử vong cao nhất khối, tính trên tổng dân số của nước này. “Xếp hạng cuối cùng trong việc tiêm chủng khiến Bulgaria đứng đầu về tỷ lệ tử vong”, Bộ trưởng Y tế Bulgaria Stoycho Katsarov thẳng thắn thừa nhận với Báo điện tử Euobserver (Bỉ).

Theo các nhà chức trách Romania, nước này đã tuyên truyền và thực hiện chiến dịch tiêm chủng diện rộng bằng nhiều hình thức nhưng hơn một nửa số người dân sống ở vùng nông thôn vẫn chưa đi tiêm chủng. Người dân tại nhiều ngôi làng và thị trấn nhỏ ở Romania đã né tránh việc tiêm chủng vì cho rằng vắc xin nguy hiểm hơn vi rút.

Tương tự, ở Bulgaria, các ca bệnh nặng do Covid-19 chật kín bệnh viện nhưng các khu nghỉ dưỡng trên Biển Đen vẫn tấp nập khách du lịch. Tại thủ đô Sofia, các trung tâm tiêm chủng hầu như không có bóng người. Các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất của châu Âu không thiếu nguồn cung cấp vắc xin phòng Covid-19. Thậm chí Romania và Bulgaria đều đang tìm kiếm cơ hội để bán đi lượng vắc xin thừa mà họ không thể tiêm chủng cho người dân nước mình.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, châu Âu có thể có tới 230.000 ca tử vong vì Covid-19 vào tháng 12 tới, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng đang chậm lại và thiếu các biện pháp hạn chế đi lại để kiểm soát dịch bệnh. Một làn sóng Covid-19 mới vào mùa thu và mùa đông tới có thể phủ bóng lên nỗ lực kiểm soát dịch bệnh mà EU đã đạt được trong thời gian qua. Kênh truyền hình DW (Đức) cho biết, để đối phó với mối lo này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã thành lập cơ quan Ứng phó Khẩn cấp y tế châu Âu (HERA), nhằm mục đích dự đoán và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số quốc gia châu Âu có tỷ lệ tiêm chủng thấp: Nguy cơ làn sóng Covid-19 mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.