Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Một quyền lực và khát vọng” của vị Tổng thống đào hoa - Nicolas Sarkozy

T.Minh| 23/07/2010 16:50

(HNMO)- Cuốn sách


(HNMO)- Cuốn sách "Một quyền lực và khát vọng” là câu chuyện kể về chuỗi những sự kiện cuộc đời và sự nghiệp của đương kim Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy, một con người từ nấc thang thấp nhất đã leo lên đỉnh cao của quyền lực và danh vọng bằng chính tài năng và nhiệt huyết của mình.

Nicolas Sarkozy sinh ra trong một gia đình không lấy gì là giàu có và hạnh phúc. Ngay từ nhỏ, khi ông bốn tuổi, bố mẹ ông đã ly dị bởi mẹ ông không thể chịu được tính trăng hoa của bố. Sau khi ly dị, mẹ ông và ba anh em (anh cả Guillaume, Nicolas, em út Francois) về nhà ông ngoại ở. Còn bố ông - Pal Sarkozy - sống một mình với những người vợ khác. Dù sở hữu một công ty quảng cáo và trở nên giàu có, cha của Sarkozy từ chối chu cấp cho vợ cũ và các con. Gia đình của Sarkozy phải sống nhờ trong một căn nhà của ông ngoại, Benedict Mallah, tại quận 17. Cuộc sống của bốn mẹ con rất vất vả, chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi từ nghề luật của mẹ chứ bố ông không trợ cấp được là bao. Về sau họ dời đến Neuilly-sur-Seine, một trong những khu dân cư giàu có nhất ở vùng Île-de-France, kế cận Quận 17 ở ngoại ô Paris. Theo Sarkozy, chính ông ngoại là người có ảnh hưởng lớn tới ông. Ông ngoại của Sarkozy, một người Do Thái theo Công giáo, đã giáo dưỡng Sarkozy trong đức tin Công giáo. Gần đây Sarkozy cho biết một trong những thần tượng của ông là Giáo hoàng John Paul II.

Theo lời kể của Sarkozy, việc người cha bỏ rơi mẹ con ông đã tác động mạnh đến sự hình thành tính cách của ông. Từ thời niên thiếu, Sarkozy cảm thấy tự ti trong giao tiếp với bạn học thuộc các gia đình giàu có. Cậu luôn chịu đựng cảm giác bất an (chiều cao của Sarkozy chỉ có 165 cm, tức 5 feet 5 inches, có lẽ do sống trong thiếu thốn, tương đối thấp so với tiêu chuẩn của Quận 17 và khu dân cư Neuilly), và luôn mang trong mình nỗi oán hận đối với bố. “Điều đã hình thành tính cách của tôi ngày nay là những sự khổ nhục mà tôi đã phải chịu đựng từ thời niên thiếu”, tự thuật của Sarkozy.

Đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy


Khi còn nhỏ, Nicolas là một người ít nói trầm tính, bướng bỉnh, không chịu học như anh Guillaume và em Francois. Mọi người trong gia đình rất tự hào và tin tưởng vào tương lai của người anh và người em, còn Nicolas luôn khiến mọi người phải lo lắng. Sau này, anh cả Guillaume và em Francois đều thành đạt. Còn Nicolas thì...

Sarkozy vào Lycée Chaptal, một trường trung học công lập ở Quận 8, và thi rớt lớp 6. Gia đình gởi cậu đến Cours Saint-Louis de Monceau, một trường trung học tư thục Công giáo tại Quận 17, ở đây học lực của cậu là trung bình, dù vậy Sarkozy cũng đậu bằng tú tài năm 1973. Sarkozy theo học luật và nhận bằng cao học luật doanh nghiệp tại Đại học Paris X Nanterre. Đây cũng là nơi khởi phát phong trào sinh viên Tháng Năm '68 và tiếp tục là thành lũy cho các tổ chức sinh viên cánh tả. Mặc dù vẫn được xem là một sinh viên trầm lặng, Sarkozy gia nhập và hoạt động tích cực cho tổ chức sinh viên cánh hữu. Sau khi tốt nghiệp, Sarkozy theo học tại Institut d'Études Politiques de Paris (1979-1981), nhưng không qua nổi kỳ thi tốt nghiệp vì trượt môn Anh văn. Sau khi vượt qua kỳ sát hạch của đoàn luật sư, Sarkozy trở thành luật sư chuyên ngành luật doanh nghiệp và luật gia đình .

Để có tiền trang trải cho việc học, Sarkozy phải đi làm thêm ở các cửa hàng để có đủ tiền theo học đại học. Và rồi cuộc đời đã đưa ông đến với con đường chính trị, đó là một trong hai nghề mà mẹ ông không thích (cùng với nghề y giống ông ngoại của Nicolas).

Nicolas Sarkozy, sinh ngày 28/1/1955 với tên Nicolas Paul Stéphane Sarközy de Nagy-Bocsa, là Tổng thống đương nhiệm của Cộng hòa Pháp. Với cương vị nguyên thủ quốc gia, Sarkozy đương nhiên nhận tước vị Hoàng thân xứ Andorra, và là Tổng Chỉ huy Binh đoàn Danh dự (Légion d'honneur, gồm những người được thưởng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh). Sarkozy thay thế Jacques Chirac vào ngày 16/5/2007. Ông thường được những người ủng hộ lẫn chống đối đặt cho biệt hiệu là Sarko.

 Ngày 6/5/2007, Sarkozy đắc cử tổng thống sau khi đánh bại đối thủ thuộc Đảng Xã hội, Ségolène Royal, trong cuộc tổng tuyển cử năm 2007. Sarkozy giành được 53,4% trong khi đối thủ của ông chỉ nhận được 46,6% phiếu bầu. Số cử tri đi bầu đạt 85,5 %, mức cao nhất kể từ năm 1981 cho tới nay.

Sự nghiệp chính trị của Sarkozy bắt đầu từ sau cuộc biểu tình tháng 5 năm 1968, khi ông bước vào phòng thường trực của UDR, đảng Gaulliste ở Neuilly. Lúc ấy, Sarkozy là thị trưởng trẻ tuổi nhất nước Pháp, đứng đầu một thị trấn hơn 50.000 cư dân. Sau khi phục vụ ở cương vị thị trưởng từ năm 1983 đến 2002, Sarkozy đắc cử vào Quốc hội. Với sự năng nổ, nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng với khả năng thuyết phục mọi người, ông đã dần dần bước lên những nấc thang đầu tiên của danh vọng. Những người thuộc cánh hữu và cánh tả đều nhìn nhận Sarkozy là một chính khách lão luyện và một diễn giả gây nhiều ấn tượng. Những người ủng hộ tập chú vào sức thu hút cá nhân, sáng kiến chính trị và ước muốn “làm một cú đột phá ngoạn mục” của ông; trong khi những người chống đối cho rằng Sarkozy đang tách rời khỏi những nguyên tắc kinh tế và xã hội của nước Pháp để theo đuổi những cải cách kinh tế kiểu Mỹ. Đại thể, trong mắt mọi người Sarkozy là người đứng đầu trong số những chính trị gia thân Mỹ.

Năm 1993, thời điểm mà ông bước vào nội các của Balladur với tư cách là Bộ trưởng Ngân sách, ông đứng về phe Balladur và ủng hộ ông ta ứng cử Tổng thống. Nhưng chức Tổng thống đã không thuộc về Balladur mà lại thuộc về Jacques Chirac vào năm 1995. Sau vụ này, ông gần như bị Chirac cho về vườn. Tuy nhiên, không vì thế mà ông từ bỏ niềm đam mê hoạt động chính trị. Với tài năng và nhiệt huyết của mình, sau đó vài năm, ông đã được Chirac gọi vào làm việc dưới chướng của ông. Năm 2002, một lần nữa Nicolas Sarkozy lại leo lên một nấc thang mới trong sự nghiệp chính trị, trở thành Bộ trưởng Bộ Nội vụ và An ninh..

Để rồi, trong lần tranh cử Tổng thống năm 2007, Sarkozy được UMP chọn làm ứng viên cho kỳ bầu cử tổng thống năm 2007. Không có đối thủ, ông giành được 98% phiếu bầu. Trong số 327.000 thành viên UMP có quyền bầu phiếu, 69% bỏ phiếu qua mạng. Sarkozy trở thành người có quyền lực nhất nước Pháp.

Trong một cuộc tranh luận trên kênh truyền hình TF1, Sarkozy ủng hộ chính sách ưu đãi người thiểu số. Dù chống đối hôn nhân đồng tính, ông ủng hộ tình trạng kết hợp dân sự. Tổng thống Jaques Chiracs tuyên bố ủng hộ Sarkozy, ông nói rằng Sarkozy là sự chọn lựa của đảng UMP, “vì vậy chẳng có gì lạ khi tôi dành cho ông lá phiếu và sự hậu thuẫn của tôi”.

Trong cuộc đua, các đối thủ chỉ trích Sarkozy là “ứng cử viên bạo tàn”, đại biểu của lập trường cứng rắn. Tuy nhiên, sự ủng hộ cử tri dành cho Sarkozy nhiều đủ để ông dẫn đầu trong suốt cuộc vận động, luôn dẫn trước đối thủ thuộc Đảng Xã hội Ségolène Royal. Và cuối cùng ông đã chiến thắng, và bước lên đỉnh cao của quyền lực và danh vọng.

Cuốn “Một quyền lực khát vọng” của nhà văn Catherine Nay, dịch giả Trần Mạnh Đạt và Nguyễn Thế Công vừa được NXB Văn học và Công ty Sách Bách Việt cho ra mắt độc giả tháng 7/2010.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Một quyền lực và khát vọng” của vị Tổng thống đào hoa - Nicolas Sarkozy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.