(HNM) - Đọc tập thơ
Khi đọc một tác phẩm văn học, đặc biệt là một tác phẩm thơ, một trong những điều chúng ta thấy được là con người tác giả, một con người mà có thể trong cuộc sống thường nhật nhiều khi không hiện rõ, không đầy đủ. Vì thế tôi nghĩ, một nhà thơ viết về cây thì mượn cây như thân xác, viết về cánh đồng thì mượn cánh đồng như thân xác... để hồn mình trú ngụ.
Điều này là mẫu số chung đối với tất cả các nhà thơ. Nhà thơ Mỹ gốc Nga Joseph Brodsky, Giải Nobel văn học đã viết: “Để hiểu con người của một triệu năm trước đã sống như thế nào thì chỉ có thi ca mới làm được điều đó”. Bởi thi ca chứa đựng đầy đủ nhất suy ngẫm của con người, khát vọng của con người, hành động của con người...
Tôi gọi Nguyễn Hồng Vinh như một người du mục bởi tôi thấy ông là người được đi rất nhiều nơi. Nhưng điều đáng nói nhất là mỗi nơi chốn ông qua, ông đều tìm thấy một vẻ đẹp, một tình người, một khoảnh khắc nào đó của lịch sử; và từ đó tìm ra một ý nghĩa, một lẽ đời trong những điều bình dị vẫn diễn ra trong kiếp người vô tận...
Khi ông đứng trước một cái cây và ông nhận ra cái cây đang giấu những cái mầm mạnh mẽ sẽ làm nên cả một mùa hoa, cả một mùa quả chín trong chính lớp vỏ tối màu như cũ kỹ, như đã hết sức sống, như đã lụi tàn.
Khi ông đứng trước một hố bom B52 giờ đã đầy nước của những cơn mưa và ông nhận ra bầu trời xanh trên đầu và cây lá tốt tươi trên mặt đất. Hố bom B52, bầu trời xanh, cây lá tươi tốt... là những yếu tố đã tạo nên một “thông điệp” cho dù nhỏ bé: Không một hành động phi nhân tính nào ví như những cuộc chiến tranh tàn bạo có thể giết chết được sự sống.
Khi ông đứng trước một ngọn núi sương mù phủ quanh, mà lại nhận ra hình ảnh cụ thể của một người thân yêu. Tôi đã suy nghĩ về hai câu thơ trong bài thơ “Tháng ba”: “Sương mù choàng chân núi/ Lưu dáng em bên đường”. Tôi tự hỏi: Vì sao sương mù lại lưu giữ được một hình ảnh cụ thể? Tại sao giữa cái mơ hồ của sương khói ấy, người ta lại nhận ra một điều cụ thể? Từ hai câu thơ này, tôi liên tưởng việc tiếp cận một văn bản nghệ thuật thơ. Chúng ta nhiều khi không thể dùng những cái “cụ thể” để tiếp cận cái “mơ hồ”. Nghĩa là để tiếp cận một tác phẩm thơ, người ta phải dùng một ngôn ngữ tương đồng. Nếu không, chúng ta rất dễ dàng sa vào cực đoan, phiến diện và áp đặt.
Khi ông đứng trong một vườn cây đang mùa trái ngọt, mà lại nhận ra những mùa quả khác đã đi qua vẫn còn rực hồng và tỏa hương ngào ngạt. Cũng là bởi lòng ông luôn gìn giữ những vẻ đẹp cuộc sống mà ông đã được tiếp nhận. Trong bài “Bâng khuâng nắng”..., ông viết: “Cả phút giây khờ khạo/ Lấp lánh mãi trong nhau”. Cái “khờ khạo” kia, lại có thể trở nên “lấp lánh”, có lẽ bởi nó chân thành, trong sáng, vô tư. Hai câu thơ này là một trải nghiệm sống của ông. Người ta có thể dễ dàng viết hai câu thơ đó. Nhưng để nhận ra cái “lấp lánh” từ những điều “khờ khạo” trong cuộc đời, thì không mấy dễ dàng!
Khi ông đứng giữa một thành phố xứ người xa lạ và ông nhận ra ý nghĩa lớn lao và vô giá của tình người xứ sở: “Lắng sâu tiếng mẹ ru hời/ Trái sung lúc đói, tình người lúc xa...” (“Sao không gửi nắng”). Đó cũng là kết quả của trải nghiệm sống. Tôi muốn ông có nhiều hơn những câu thơ như thế.
Và có lúc ông ngồi trước trang giấy hay là đứng trước đời sống để nhận ra cái hư không của cuộc đời này. Đây là một “bí mật” của Nguyễn Hồng Vinh. Nói về Hồng Vinh với những chuyện khác của cuộc đời này như chuyện đúng sai, như chuyện thời thế, như chuyện cũ mới... có lẽ nhiều người đã biết, đã hiểu, nhưng khi Hồng Vinh nhận ra ông đang đứng trước hư không và nhận ra hư không ít nhiều, thì bắt đầu tôi lại hiểu Nguyễn Hồng Vinh thêm ở một phía khác.
Trên trang giấy trắng
Con chữ nhọc nhằn
Mưa lùa khe cửa
Đời còn hư không!...
(“Mưa về”)
Lúc này, thực sự ông đang đối diện với chính mình, đối diện với tâm hồn mình hay nói cách khác là ông đang được sống với chính ông và ông nghe được giọng nói chân thực của ông vang lên... Ông thức một mình trong đêm và những câu thơ lúc ấy cần thiết với ông như một người tri kỷ, một người mà ông muốn được chia sẻ, được lắng nghe, được bày tỏ...
Giữa đồi đầy hoang dại
Tím nỗi nhớ màu sim
Gió ngã ba gào mãi
Chờ anh, sao lặng thinh?!...
(“Ngã ba”)
Đọc tập thơ của tác giả Nguyễn Hồng Vinh, trong tôi cứ vang lên một khổ thơ của ông, thực sự là những câu thơ da diết. Nó làm tôi nao lòng nhớ về những khu vườn của làng quê tôi và những miền quê khác trên thế gian này mà tôi đã đi qua. Nó vang lên thật xôn xao và thật yên bình. Và tôi mơ đến một thế gian như thế, một thế gian không chiến tranh, không thù hận, không bất trắc, không bất công... Một thế gian đẹp và thổn thức như một khu vườn tràn đầy tình yêu thương con người say đắm.
Mùa đông còn xa nên vắng bầy chim
Ong làm mật vừa chìm vào giấc ngủ
Mình anh giữa hoàng hôn tím ngắt
Với con thuyền chộn rộn đợi triều lên…
(“Trước cửa Ba Lạt”).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.