(HNM) - Đó là các khu định cư Do Thái vừa được chính quyền Israel quyết định mở rộng tại khu Bờ Tây và Jerusalem trên đất của người Palestine.
Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Tel Aviv hành động như vậy. Trong quá khứ, các khu định cư Do Thái trên đất của người Palestine đã luôn là mâu thuẫn lớn giữa Israel và Palestine trong việc nối lại đàm phán về một nền hòa bình ở Trung Đông. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, ngay sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ủng hộ nỗ lực không mệt mỏi của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, quyết định trao quy chế từ "Thực thể quan sát viên" lên "Nhà nước quan sát viên" tại LHQ cho Chính quyền dân tộc Palestine (PNA) vào ngày 29-11, thì quyết định của Tel Aviv chẳng khác nào "gáo nước lạnh" dội vào tiến trình hòa bình Trung Đông vốn chưa bao giờ nguôi căng thẳng.
Theo đó, ngày 3-12, nữ phát ngôn Bộ Nội vụ Israel Efrat Orbach cho biết, nước này đã khôi phục kế hoạch xây dựng 1.600 nhà định cư mới ở khu vực ngoại ô Ramat Shlomo tại Đông Jerusalem. Đây là dự án mà Washington từng phản đối ngay khi Tel Aviv đưa ra kế hoạch này lần đầu hồi tháng 3-2010. Nhiều nguồn tin cho biết, khu định cư mới có thể được xây tại khu vực tranh chấp thuộc Bờ Tây, liên quan đến tranh chấp Đông Jerusalem với khu định cư Maaleh Adumim. Mặc dù đã cam kết với Tổng thống Mỹ Barack Obama nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn quyết xây dựng khu định cư mới tại đây. Nếu công cuộc xây dựng hoàn tất khu định cư mới của người Do Thái sẽ cắt đôi khu Bờ Tây của người Palestine thành hai phần Bắc-Nam, điều mà người Palestine hết sức phản đối. Và nếu vậy, việc hình thành một nhà nước Palestine với một lãnh thổ trọn vẹn khó có thể thực hiện.
Dư luận cho rằng, với các quyết định xây khu định cư mới, Tel Aviv đã có những bước chuẩn bị kỹ nhằm khước từ ước vọng về một nhà nước độc lập của người dân Palestine. Thậm chí, ngày 2-12, Thủ tướng B.Netanyahu còn tuyên bố bác bỏ quyết định nâng cấp quy chế cho PNA của LHQ bất chấp sự đồng thuận của đông đảo các quốc gia trên thế giới. Song song với đó, các biện pháp trả đũa đang được Tel Aviv ráo riết thực hiện. Bộ trưởng Tài chính Israel Yuval Steinitz đã hành động khi thông báo phong tỏa các khoản thuế Israel chuyển cho phía Palestine ngay trong tháng này (khoảng 116 triệu USD), với lý do các khoản tiền này sẽ được dùng để chi trả các khoản mà chính quyền Palestine còn nợ Công ty Điện lực Israel. Theo nghị định thư ký kết giữa hai bên, năm 1994, hằng tháng, Israel chuyển cho Palestine các khoản tiền thuế với hàng hóa nhập khẩu vào Palestine qua các cảng của Israel. Đây là nguồn thu đáng kể cho ngân sách của Palestine. Tuy nhiên, Israel luôn trì hoãn việc chuyển các khoản tiền này. Và hành động "giam tiền" mới nhất của Tel Aviv được coi là một hình thức trả đũa các diễn biến ngoại giao hoặc chính trị "có hại" cho Israel...
Những hành động của chính quyền Israel đã và đang gây phản ứng mạnh trong cộng đồng quốc tế. Trong một diễn biến mới, ngày 6-12, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Israel B.Netanyahu đang ở thăm Đức, phát biểu với báo giới, Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh, nước Đức không ủng hộ kế hoạch xây dựng khu định cư mới của Israel, vì giải pháp hai Nhà nước vẫn là lựa chọn phù hợp và các bên cần tiếp tục theo đuổi, nối lại đàm phán và tránh các giải pháp đơn phương. Trước đó, ngày 3-12, Washington cũng đã kêu gọi Israel "xem xét lại" quyết định xây mới các căn nhà ở Đông Jerusalem và Bờ Tây. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng rằng việc xây dựng các khu định cư trên các vùng lãnh thổ Palestine bị Israel chiếm đóng từ năm 1967 là bất hợp pháp. Nga và cộng đồng quốc tế không công nhận hành động này. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao các nước: Anh, Pháp cũng đã triệu hồi đại sứ Israel tại các nước này để thảo luận về các khu định cư mới…
Nền hòa bình tại Trung Đông lại một lần nữa vấp phải trở ngại không dễ vượt. Sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế về nền độc lập của một quốc gia tại cuộc bỏ phiếu lịch sử (29-11) đã trao cho người dân Palestine một hy vọng. Nhưng để đi tiếp đến đích cuối cùng, chính quyền Palestine do ông M.Abbas lãnh đạo sẽ còn phải vượt không ít chông gai. Trước mắt là những khó khăn về kinh tế do cuộc phong tỏa tài chính của chính quyền Israel với dự báo là sẽ rất khắc nghiệt. Do đó, câu chuyện về giải pháp hai Nhà nước cho cuộc xung đột Palestine - Israel sẽ vẫn là một câu chuyện chưa có hồi kết ở Trung Đông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.