Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một năm bội thu về xuất khẩu

Hồng Sơn| 20/11/2018 07:21

(HNM) - Theo dự báo mới nhất của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2018 có thể đạt 239 tỷ USD, vượt xa con số dự kiến là 214 tỷ USD đề ra từ đầu năm.

Mặt hàng dệt may có kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Thái Hiền


Tính đến hết tháng 10-2018, kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế ước đạt 200,3 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là cơ sở về khả năng thắng lợi trong hoạt động xuất khẩu của cả nước khi kết thúc năm 2018. Điều này là có cơ sở và dần trở thành hiện thực vì trung bình mỗi tháng nước ta xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD giá trị hàng hóa. Đặc biệt, theo thông lệ, kim ngạch xuất khẩu dịp cuối năm còn có thể cao hơn mức 20 tỷ USD/tháng, đồng nghĩa dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu đang còn nhiều.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, gồm điện thoại và linh kiện; hàng dệt may; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép... Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản, thủy sản tăng khá. Điều đáng nói, khu vực kinh tế trong nước đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu là 16,8%, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt mức tăng trưởng 13,2%. Như vậy, đây là sự đảo chiều thú vị, vì từ trước đến nay thực tế vẫn diễn ra theo chiều ngược lại và thể hiện rõ sức vươn mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước.

Xét về thị trường, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 39,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU đạt 34,6 tỷ USD, tăng 9,0%; Trung Quốc đạt 33,1 tỷ USD, tăng 25,1%; ASEAN đạt 20,4 tỷ USD, tăng 13%; Nhật Bản đạt 15,26 tỷ USD, tăng 10,2%; Hàn Quốc đạt 14,9 tỷ USD, tăng 23,2%.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hàng hóa Việt đang tiếp tục khai thác có hiệu quả tại các thị trường truyền thống kết hợp với mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm thị trường mới. Đặc biệt, dự báo tiềm năng gia tăng xuất khẩu của hàng Việt là khả quan trong thời gian tới khi hai hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu - EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực trong tương lai gần, trong đó hàng Việt sẽ được hưởng thuế suất 0% hoặc rất thấp và trở nên có sức cạnh tranh hơn so với hàng cùng chủng loại của các nước khác... Ngoài ra, đến nay, hoạt động đầu tư trong nước, được hỗ trợ bởi môi trường kinh doanh cải thiện liên tục, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định nên dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới. Thực tế này sẽ kết hợp với khu vực đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới, trong đó có nhắm tới mục tiêu mở rộng xuất khẩu.

Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu từ nay đến hết năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ sẽ tập trung theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc để chủ động trong việc điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa. Công tác xúc tiến thương mại ngoài nước, cung cấp thông tin thị trường và tư vấn cho doanh nghiệp cũng sẽ được tăng cường, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ của các đơn vị.

Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt tinh thần cải cách, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp; đặc biệt là nhằm mục tiêu tăng cường xuất khẩu. Đó là, không ngừng cải cách, đơn giản hóa thủ tục liên quan đến đăng ký thành lập doanh nghiệp, giảm tối đa hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng xuất khẩu và thủ tục hành chính nói chung để tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một năm bội thu về xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.