Thiếu nữ Hà Nội là mảng đề tài đã làm nên thương hiệu cho họa sĩ Công Quốc Hà từ nhiều thập niên trước. Vẻ đẹp của người phụ nữ Hà thành với mái tóc dài, đen, dày trong những bộ áo dài tha thướt mang nét đẹp thanh tao, tinh khiết có đôi chút kiêu sa đã gây ấn tượng đặc biệt dài lâu trong lòng người yêu hội họa. Bên cạnh đó, họa sĩ Công Quốc Hà còn một mảng tranh nữa, nổi tiếng không kém - mảng tranh về phố Hà Nội.
Sáng tạo bằng tình yêu Hà Nội
Họa sĩ Công Quốc Hà sinh ra và lớn lên ở Hà Nội và vì thế, tất cả ký ức, kỷ niệm từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành đều gắn liền với phố. Ngày còn thơ bé, ông thường theo mẹ ghé các con phố nổi tiếng về ẩm thực của Hà Nội, thưởng thức những món ăn dân dã mà chỉ Hà Nội mới có hoặc chỉ ở Hà Nội mới ngon. Bức tranh đầu tiên mà họa sĩ Công Quốc Hà vẽ về phố Hà Nội là bức ký họa về phố Hàng Thùng, khi ấy ông đang là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Năm 1979, ông đánh dấu bước ngoặt trên chặng đường sáng tác nghệ thuật của mình khi tác phẩm “Hà Nội về đêm” được vẽ bằng mực Nho trên giấy dó được dự triển lãm quốc tế tại Đức. Với lợi thế là họa sĩ được đào tạo chuyên ngành sơn mài, họa sĩ Công Quốc Hà chủ yếu sáng tạo trên chất liệu này, và bức sơn mài đầu tiên về phố của ông được công chúng chú ý tới là tác phẩm “Phố mùa đông” tham dự triển lãm ở Pháp năm 1998.
Nét đặc sắc trong tranh phố của Công Quốc Hà là ở chỗ ông nhìn ra được vẻ đẹp tạo hình của phố cổ Hà Nội là các nhóm khối kỷ hà được lắp ghép hết sức tự nhiên tạo nên một bố cục hiện đại, và ông kết nối chúng bằng những đường viền khỏe khoắn, mạnh mẽ, dứt khoát mang phong cách đặc trưng.
Thêm vào đó, bằng cảm nhận tinh tế và con mắt đa chiều của một họa sĩ, mỗi mùa, mỗi thời điểm, phố Hà Nội trong tranh của ông lại có một vẻ đẹp riêng, không trộn lẫn. Hà Nội mùa đông của ông thật ấm áp bởi ánh sáng lung linh hắt ra từ những ô cửa nhỏ, qua bóng dáng của người gánh quà rong. Hà Nội mùa xuân trong tranh ông là cây cối rạng rỡ đâm chồi nảy lộc, những gánh hàng hoa tưng bừng khoe sắc bên dưới hàng mái ngói lô xô. Hà Nội mùa hạ với những gam màu rực rỡ chói chang mà say đắm. Hà Nội mùa thu lãng mạn với những chiếc lá vàng rơi trên mái phố, những cành cây cổ thụ nghiêng nghiêng chiều lá bay...
Cũng chính vì xuất phát từ tình yêu Hà Nội mà họa sĩ Công Quốc Hà đã miệt mài vẽ lại những con phố. Ông muốn lưu giữ lại một Hà Nội bằng tranh để các thế hệ sau và bạn bè bốn phương có một dấu ấn về Hà Nội như ông đã từng có.
“Tôi dành rất nhiều thời gian, tâm sức cho đề tài phố Hà Nội. Hà Nội trong tôi là những ngõ phố ngang dọc, tiếng kéo lách cách của người thợ cắt tóc, tiếng rao của người bán hàng rong, trẻ con chạy chơi đùa, tiếng chó sủa, bà bán chè chén ở quán cóc vỉa hè, chú mèo lang thang trên nóc nhà... Ai cũng có quê, ai cũng muốn hình ảnh quê hương được thể hiện trong các tác phẩm của mình, nhất là với một người nghệ sĩ như tôi” - họa sĩ Công Quốc Hà chia sẻ.
Sau hàng ngàn bức tranh, ký họa về phố cổ Hà Nội trên các chất liệu như sơn mài, sơn dầu, acrylic, cắt giấy..., Công Quốc Hà tự định danh là một họa sĩ vẽ phố có phong cách đặc trưng. Đó cũng là lý do mà bấy lâu nay, bạn bè và người yêu tranh vẫn gọi Công Quốc Hà là “họa sĩ của phố phường Hà Nội”. Miệt mài theo đuổi đề tài Hà Nội, ông đã có nhiều tác phẩm về Hà Nội ghi dấu ấn trong lòng công chúng, nhưng cái tài của Công Quốc Hà không phải ở chỗ vẽ lại cảnh đẹp Hà Nội mà ông mang tới cho người xem rung cảm từ tình yêu Hà Nội đang trỗi dậy dịu dàng và sâu lắng trong lòng khi xem tranh của ông.
Sáng tạo là không dừng lại
Sau 10 năm sống và làm việc tại Thụy Điển, họa sĩ Công Quốc Hà trở lại Việt Nam và tổ chức 3 cuộc triển lãm, công bố các tác phẩm tiêu biểu trong suốt 50 năm hoạt động nghệ thuật của mình. Không dừng lại ở đó, trong thời gian hơn 1 năm ông ở lại Hà Nội, ông vẫn tiếp tục sáng tác, thậm chí là sáng tác nhiều hơn bởi cảm xúc dâng trào khi trở lại nơi "chôn nhau cắt rốn". Hà Nội vẫn là mảng đề tài mà ông tập trung nhiều nhất với tình yêu nguyên vẹn, thậm chí còn sâu đậm hơn nhưng với cách thể hiện mới, hiện đại và giàu tính sáng tạo.
Đến thăm căn hộ ở Pentstudio trên đường Lạc Long Quân, nơi ông thuê để ở và cũng là xưởng vẽ trong thời gian trở về quê hương, mới thấy sức làm việc của ông thật đáng nể. Rất nhiều bức tranh về phố Hà Nội được ông sáng tác ở đây được ông bày trong các triển lãm “Không gian hội họa Công Quốc Hà” (từ 22 đến 24-7-2022 tại Apricot Hotel), “Art by Công Quốc Hà” (từ 12 đến 22-8-2022 tại không gian nghệ thuật Art Graden thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) và “Nghệ thuật Công Quốc Hà nửa thế kỷ” (từ 15 đến 19-4-2023 tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp). Vẫn là những bức tranh về phố cổ Hà Nội nhưng nay đầy ắp hơi thở hiện đại, một Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ nhưng vẫn giữ nét duyên dáng xưa.
Ngồi trò chuyện với ông về tranh phố, có cảm giác như đang đi bộ trên những con phố Hà Nội "của Công Quốc Hà": “Phố của tôi”, “Chiều trong phố”, “Phố cổ Hà Nội”, “Phố thời mở cửa”, “Trăng rằm phố cổ”, “Trừu tượng phố”, “Hà Nội phố”, “Nhà thờ Lớn”, “Chuyện người Hà Nội I”, “Chuyện người Hà Nội II”, “Hoài niệm phố”, “Tiếng rao đêm”, “Hà Nội đêm và ngày”, “Ký ức tuổi thơ”... Những sáng tác mới này đầy ắp rung cảm về một Hà Nội hiện đại đang chuyển mình mạnh mẽ.
“Trở về Hà Nội sau hơn một thập niên sống và làm việc ở Thụy Điển, gặp lại người thân, bạn bè thân quen, gặp lại những nét văn hóa truyền thống của dân tộc và nhất là những con đường mới của Thủ đô, trong tôi ngập tràn cảm xúc tích cực, điều đó cho tôi năng lượng để làm nên một series tranh “Những con đường mới Hà Nội” - họa sĩ Công Quốc Hà trải lòng.
Những tác phẩm mới của ông có cái nhìn trẻ trung hơn, lạc quan hơn, đầy màu sắc và hy vọng, khác hẳn với cái nhìn có phần trầm ngâm, suy tư của ông trước đây. Nhẩn nha chuyện nghệ thuật, ông nói: “Làm thế nào để người nghệ sĩ vẫn giữ được phong cách, cái riêng có của mình nhưng phải tiến lên phía trước, vượt qua chính mình mới là điều khó khăn. Tôi thấy mình như có một bảng màu mới, tạo hình đơn giản hơn, có tính khái quát hơn để mở ra một không gian nghệ thuật rộng hơn. Tôi đem nguyên vẹn tình yêu Hà Nội tới với người yêu hội họa qua những bức tranh vẽ về phố cổ, thiếu nữ Hà Nội và miệt mài kể với bạn bè thế giới những câu chuyện về Hà Nội. Từ những mái ngói đan chen trên phố cổ, bà bán trà đầu ngõ, người cắt tóc vỉa hè, gánh hàng rong... đến những tòa nhà chọc trời, những con đường ngoằn ngoèo, chằng chịt. Hà Nội của tôi cứ thế trầm mặc, điềm tĩnh, đôi lúc ồn ào, hối hả nhưng luôn kiêu hãnh với vẻ đẹp riêng vươn mình ra thế giới”.
Sự sáng tạo mang ý nghĩa lớn trong cuộc sống nghệ thuật. Đó là việc không dừng lại ở những gì đang có hoặc những gì đã có, không mắc kẹt trong làn đường thẳng sẵn có, người nghệ sĩ phải luôn cảm nhận và tìm ra những con đường mới. Với tôi, họa sĩ Công Quốc Hà đã tìm cho mình một chỗ của ông ở Hà Nội và đã tìm thấy một Hà Nội của riêng ông.
Họa sĩ Công Quốc Hà sinh năm 1955 tại Hà Nội. Năm 1979, ông tốt nghiệp Khoa Sơn mài, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Ông là họa sĩ nổi tiếng về tranh sơn mài, được tặng nhiều giải thưởng, có nhiều tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và thường xuyên tham gia các triển lãm quốc gia và quốc tế. Năm 2005, họa sĩ Công Quốc Hà thành lập Nhà nghệ thuật Hà Nội ở Kisa (Thụy Điển) - nơi trưng bày các bộ sưu tập và triển lãm các tác phẩm nghệ thuật và văn hóa, đặc biệt là về văn hóa Việt Nam. Từ năm 2012, ông cùng gia đình sống và làm việc ở Thụy Điển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.