(HNMO) - Đánh dấu nửa thế kỷ cống hiến, đóng góp cho nghệ thuật nước nhà, họa sĩ Công Quốc Hà chọn không gian Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp (Hà Nội), nơi ông được đào tạo mỹ thuật, để thực hiện triển lãm “Nghệ thuật Công Quốc Hà - Nửa thế kỷ” từ ngày 15 đến 19-4.
Lần này, công chúng yêu nghệ thuật sẽ cảm nhận đầy đủ chân dung nghệ thuật của Công Quốc Hà với sự chuyển mình liên tục theo nhịp thời đại.
Họa sĩ Công Quốc Hà là một gương mặt thành danh của mỹ thuật Việt Nam đương đại. Ông sinh năm 1955 tại Hà Nội, theo học bài bản và tốt nghiệp Khoa Sơn mài, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Với họa sĩ Công Quốc Hà, đây là ngôi trường đã đào tạo, nuôi dưỡng niềm say mê, tận hiến với mỹ thuật của ông suốt 50 năm qua. Chính vì thế, ông vô cùng tự hào về Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp và chọn nơi đây để triển lãm, chia sẻ những sáng tác của mình với thế hệ nối tiếp hôm nay.
Triển lãm “Nghệ thuật Công Quốc Hà - Nửa thế kỷ” gồm 50 tác phẩm được thể hiện ở 3 mảng sáng tác làm nên chân dung nghệ thuật Công Quốc Hà: Hội họa, đồ họa và điêu khắc.
Ở mảng hội họa, công chúng yêu nghệ thuật được thưởng lãm nhiều tác phẩm tiêu biểu, tác phẩm đánh dấu bước ngoặt trong từng giai đoạn của họa sĩ, mà đa số đã được sưu tập, nên họa sĩ mượn lại để trưng bày.
Họa sĩ Công Quốc Hà dành nhiều tâm huyết thể hiện và để lại dấu ấn với tranh về phố Hà Nội và thiếu nữ. Mặc dù đã có nhiều họa sĩ bậc thầy thành danh ở hai mảng đề tài này, nhưng ông vẫn dấn thân và nỗ lực tạo lập con đường riêng.
“Sinh ra và trưởng thành ở Hà Nội, tôi luôn nhớ thương những mái cũ, nhà xưa, những ngã đường ngang dọc, ấn tượng với vẻ đẹp của những thiếu nữ trong tà áo dài dịu dàng và vẽ lại bằng cảm nhận của riêng mình”, họa sĩ Công Quốc Hà bày tỏ.
Quả thật, phố trong tạo hình của họa sĩ Công Quốc Hà mang vẻ đẹp riêng từ những hình khối lập thể tối giản, nhưng vẫn giữ được nét mềm mại, lãng mạn và đặc biệt luôn có sự chuyển động theo nhịp thời đại. Điều đó thể hiện rõ trong những tác phẩm đầy mới mẻ mà họa sĩ vừa hoàn thành gần đây tại Hà Nội.
Còn thiếu nữ trong tranh của Công Quốc Hà có nét trong sáng, dịu dàng nhưng cũng đầy cá tính nhờ việc đẩy cao sức biểu cảm của màu. Với mỗi tác phẩm, họa sĩ đều chọn lựa chất liệu để thể hiện tốt nhất ý tưởng của mình, từ sơn mài sở trường đến sơn dầu hay acrylic.
Bên cạnh hội họa, mảng đồ họa cũng tạo dấu ấn trên chặng đường 50 năm sáng tác của họa sĩ Công Quốc Hà. Các tác phẩm tại triển lãm là sự chọn lọc từ tranh minh họa, bìa sách của họa sĩ trong hàng chục năm tham gia cộng tác với các nhà xuất bản, báo, tạp chí. Ngoài ra, họa sĩ Công Quốc Hà cũng sẽ trưng bày một số điêu khắc mới sáng tác và các ký họa để công chúng cảm nhận đầy đủ hơn về nghệ thuật của ông.
Về các sáng tác của họa sĩ Công Quốc Hà, họa sĩ, Tiến sĩ mỹ học Nguyễn Văn Cương, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhận định: “Là người Hà Nội nên tranh của Công Quốc Hà đậm chất thị thành, hào hoa mà giản dị, sang trọng mà vẫn nhã nhặn; mang nét lãng mạn, yêu đời nhưng thâm trầm, kín đáo”.
Nhà phê bình mỹ thuật Trần Thức đánh giá: “Tranh của Công Quốc Hà là sự kết hợp có ý thức giữa vẻ đẹp truyền thống và hiện đại, mang tính khái quát và cách điệu cao, mặc nhiên đã vượt lên thẩm mỹ thông thường, bề ngoài. Đó là tiếng nói của thế giới nội tâm sâu thẳm đến vô cực, gần với triết lý phương Đông”.
Một số tác phẩm tại triển lãm:
Họa sĩ Công Quốc Hà từng công tác tại nhiều cơ quan với tư cách là họa sĩ, như Tạp chí Diễn đàn văn nghệ (Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam), Tạp chí Xưa và Nay (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam), Tạp chí Quê hương (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài).
Họa sĩ Công Quốc Hà tham gia Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật Hà Nội, từng đảm nhiệm các cương vị: Chủ nhiệm Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ (Hội Mỹ thuật Việt Nam), Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa Hà Nội (Hội Mỹ thuật Việt Nam)...
Ông là cộng tác viên mỹ thuật cho nhiều nhà xuất bản, báo và tạp chí uy tín, trong đó có Báo Hànộimới. Ông đã được tặng nhiều giải thưởng mỹ thuật, tham gia các triển lãm trong nước và quốc tế, có tác phẩm lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và nhiều bảo tàng nghệ thuật trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.