(HNMCT) - Từng ra mắt bạn đọc nhiều tập thơ: “Như một nỗi đời riêng” (NXB Thuận Hóa, 2009), “Nhặt lá mùa xưa” (NXB Thuận Hóa, 2011), “Lối yêu thương” (NXB Thuận Hóa, 2013) và nhiều tác phẩm in chung khác như “Thơ tình xứ Huế”, “Trăng nước Hương Giang”, “Thơ Huế từ năm 2000”,... cách đây chưa lâu, nhà thơ Từ Nguyễn ra mắt tập thơ mới nhất của chị với nhan đề “Dòng Huế - Dòng thương” (NXB Thuận Hóa) - tập thơ được chị thai nghén suốt 6 năm qua.
“Dòng Huế - Dòng thương” gồm 100 bài thơ viết về xứ Huế của tác giả Từ Nguyễn. Bằng tình yêu sâu sắc với mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên, nhà thơ gửi gắm tình cảm của mình qua ngôn từ, vần điệu chứa chan cảm xúc. Ở đó, mảnh đất xứ kinh kỳ hiện ra đầy trữ tình qua 4 mùa xuân, hạ, thu, đông với sắc thái riêng. Những địa danh quen thuộc như sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, bến Văn Lâu, Thành Nội, Vĩ Dạ... đi vào thơ chị một cách mềm mại, nhẹ nhàng, tựa như dòng Hương Giang êm ái trong những buổi chiều gió lặng: “Sông Hương thơm suốt mấy mùa trăng/ Trưa hè mơ màng say ngủ/ Sóng gợn rẽ về bên Thừa Phủ/ Để Văn Lâu vòi vọi ngóng theo” ("Tháng tư - còn chút mơ màng"); “Huế chưa bao giờ đổi khác/ Người vẫn chung tình người ơi!/ Ở giữa hai đầu đất nước/ Nối gần những mảnh xa xôi” ("Hương Giang vẫn chảy bên đời").
Xứ Huế là xứ mưa, mưa suốt cả bốn mùa, ngay cả vào mùa cỏ cháy đồng khô thì “thoảng bất chợt, mưa lại về, sầm sập”, nên mưa trở đi trở lại trong thơ Từ Nguyễn. Có khi, nhà thơ ví mưa Huế như “những giọt ngọt lành”, có lúc ví mưa “như men tình lạ”. Mưa Huế đôi khi “Cứ rỉ rả như một lời tâm sự”, để rồi “Nhẹ nhàng lăn/ Qua nỗi nhớ/ Dịu êm”. Những giọt mưa ngắn dài hiu hắt, như “Ủ bao sầu vào trong”, và chẳng biết tự lúc nào mưa như gom góp lại “Bao chuyện buồn nhân thế/ Vỡ trong từng giọt mưa”. Với Từ Nguyễn, “Huế là mưa... Có phải vì tình Huế/ Quá thẳm sâu nên khó thể xa rời?/ Mưa của Huế không nặng lời kể lể/ Âm thầm nghe để cảm nhận người ơi!”.
Phong cảnh xứ Huế trong mưa đượm buồn, nỗi buồn ấy như thấm vào đền đài, thành quách rêu phong, khiến Huế vốn dĩ u trầm cổ kính càng thêm sâu thẳm. Đó là “Mưa thu thả giọt bên thềm/ Chẳng xôn xao mấy.../ Vừa êm mộng đời.../ Dịu dàng/ Dăm tiếng lá rơi/ Thoáng xa xăm/ Thoáng nửa vời/ Như ru... trong “Chút phiêu lãng bên chiều”. Là “Giờ này Huế lại đang mưa/ Gió xao xác, nắng lưa thưa.../ Lạ lùng/ Mây giăng tứ phía mịt mùng/ Vòm cao thì cứ rưng rưng, nỗi mùa” trong “Chút Huế tôi hiền”. Hay là “Những chiều mùa đông mưa giăng kín lối về/ Cây trút lá đầm đìa ngàn mắt lệ/ Triệu tiếng buồn gieo nỗi lạnh tái tê!” trong “Mơ lại những ngày xưa”.
Thơ Từ Nguyễn nhẹ nhàng, khoan thai, tựa như một sớm mai ngồi bên hiên nhà, thư thái nhấp ngụm trà, nghe thời gian chậm trôi và thấy lòng nhẹ hẫng. Sự mềm mại, dịu dàng trong thơ chị tựa như điệu hò man mác rơi trên sông giữa mùa sương rơi, dù là xúc cảm buồn, vui, thương, nhớ đều khiến lòng người đọc rung lên cảm xúc ấm áp ngọt ngào, nhẹ nhàng như bóng tôn nữ ngang qua Thành Nội trong một chiều nghiêng nắng, rêu phủ đường xưa. Đánh giá về thơ Từ Nguyễn, nhà thơ Võ Quê từng viết: “Nguồn cảm xúc thơ Từ Nguyễn khởi hành từ cuộc sống thật của chính mình. Chiều sâu tháng năm dài, bề dày hiện thực với những biến chuyển phù trầm không giới hạn đã tạo nên một bút lực mới, trữ tình”.
“Dòng Huế - Dòng thương” như một bản tình ca về Huế. Người đọc có thể ngắm Huế qua những vần thơ trữ tình của Từ Nguyễn và cùng chị yêu Huế thêm lần nữa.
Nhà thơ Từ Nguyễn tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt. Chị sinh năm 1958 tại Huế, là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.