(HNM) - Là học sinh Trường Bưởi, gắn bó với Hà Nội gần 15 năm rồi đi
Nhưng đến giờ này, nhà ngữ văn học Hán Nôm Nguyễn Quảng Tuân luôn đau đáu trước những chuyển dịch văn hóa của Thủ đô ngày nào. Trong căn nhà cấp bốn nằm ngay tuyến đường trung tâm TP Hồ Chí Minh (số 53 Đinh Tiên Hoàng, quận 1), ông trầm tư: "Có những lúc đi biểu diễn ca trù toàn quốc tại Hà Nội mà khán giả lại chính là những thành viên của các đoàn".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân. |
Học trò của ông thường kể với nhau rằng, yêu Truyện Kiều thì ai cũng yêu nhưng dành cả đời với tác phẩm kinh điển này như ông thì quả là xưa nay hiếm. Mọi ngóc ngách trong căn nhà giản dị của ông chứa đầy sách khiến người ta dễ tưởng đây là kho sách của một thư viện tầm cỡ. Ông bảo, "kho sách" đó là "bảo vật gia truyền" với gần như đầy đủ các bản Truyện Kiều qua các thời kỳ và được sắp xếp một cách ngăn nắp, trình tự theo mốc thời gian. Có lẽ, nếu nhìn vào những cuốn sách đồ sộ do chính tay ông viết và biên soạn cùng với khả năng thuyết trình hàng giờ đồng hồ, ít ai nghĩ rằng ông đã ở tuổi 90.
Cầm bản cổ cuốn "Kim Vân Kiều truyện" Hán Nôm trên tay, ông chia sẻ: "Sở dĩ có được những cuốn sách quý như vậy đều do sự tình cờ. Khi tôi ghé thăm một ngôi chùa tại tỉnh Đồng Tháp đã may mắn tìm được nó. Bây giờ, chỉ cần nhìn vào chất liệu giấy và mực của cuốn Hán Nôm trên cũng có thể đoán ra thời điểm dịch vào thế kỷ XIX, tức ngay khi cuốn gốc của đại thi hào Nguyễn Du ra đời". Cũng trong một lần bạn đến nhà chơi thấy được bộ ấm chén đẹp đã ngỏ ý đổi lấy sách Kiều. Thế rồi, hàng trăm cuốn Kiều Hán Nôm, Quốc ngữ, Trung Hoa được đóng hộp cẩn thận đưa đến nhà ngày hôm sau. Theo nhiều nhà phê bình, lý luận văn học, hiện bộ Kiều của Nguyễn Quảng Tuân được xem là một trong ít bộ sách đồ sộ của nước ta với hàng nghìn cuốn có giá trị văn học cao, có những cuốn Nôm cổ xuất bản năm 1866 được ông phiên âm và dịch ra tiếng Việt.
Điều khiến chúng tôi cảm phục nhất vẫn là chặng đường viết sách và dịch thuật của ông. Năm 1953, Nguyễn Quảng Tuân xuất bản quyển "Thanh Tâm Tài Nhân thi tập" đầu tiên và bắt đầu nghiên cứu về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cho đến nay, ông không nhớ rõ mà tính sơ sơ rằng cỡ trên nghìn cuốn với độ dày mỗi cuốn dao động từ vài trăm đến cả nghìn trang. Ngoài ra, ông còn có gần 400 bài nghiên cứu đã đăng trên tạp chí trong và ngoài nước. Giáo sư Trần Văn Khê từng nhận xét: "Mặc dù tôi biết nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân là một chuyên gia về Kiều nhưng dùng thể hát nói mà viết 1 bài tổng vịnh, 20 bài vịnh 20 hồi của nguyên truyện... quả không đơn giản chút nào. Phải là nhà thơ hiểu Truyện Kiều một cách thâm thúy, lại phải sành sỏi về hát nói mới có thể viết được một áng văn thơ như thế". Với sự lao động không biết mệt mỏi, năm 2010, Nguyễn Quảng Tuân vinh dự được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (VNPF) trao giải thưởng Balaban nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của ông trong việc bảo tồn, phát huy và quảng bá di sản văn hóa chữ Nôm.
Dấu ấn của Nguyễn Quảng Tuân còn in đậm trong công tác nghiên cứu văn hóa Phật giáo. Vào thời điểm đầu những năm 1980, nhân dịp đi thăm những người bạn học thời trung học tại Hà Nội, ông tình cờ gặp một người bạn am hiểu về nền văn hóa Phật giáo và đưa ông đi đến tám ngôi chùa nổi tiếng trên địa bàn như chùa Trấn Quốc, Một Cột, Quán Sứ... Năm 1990, Nguyễn Quảng Tuân cho xuất bản cuốn "Những ngôi chùa danh tiếng" cùng nhiều công trình nghiên cứu về các ngôi chùa cổ nước ta.
Không dừng lại ở đó, Nguyễn Quảng Tuân còn là một nhà thơ với nhiều tác phẩm về ca trù. Đến nay, có tới 7 cuốn sách về ca trù do ông sáng tác và được nhiều nghệ nhân biểu diễn từ Hà Nội cho đến TP Hồ Chí Minh.
Niềm đam mê ca trù là vậy nhưng khi nói về tương lai thể loại âm nhạc truyền thống này ông vẫn đượm buồn và ưu tư. Hiện việc sinh hoạt của các hội ca trù tại TP Hồ Chí Minh hầu như không còn được duy trì do thiếu kinh phí hoạt động. Điều trăn trở nhất với ông là người nghe và hiểu về thể loại âm nhạc bác học này không nhiều. "Có những lúc đi biểu diễn ca trù toàn quốc tại Hà Nội mà khán giả lại chính là những thành viên của các đoàn tham dự", giọng Nguyễn Quảng Tuân nghẹn lại. Rồi ông lo lắng: "Ca trù là thú chơi tao nhã của người xưa, không dành cho đám đông mà chỉ thu hẹp trong phạm vi một nhóm nhỏ, có tri thức, có tâm thế thưởng thức từ lời thơ, giọng hát tới nhịp phách, cung đàn. Việc biểu diễn ca trù trên sân khấu không khác gì giết chết ca trù".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.