(HNM) - Tuyến đê sông Hồng, đoạn từ cầu Chương Dương đến làng nghề Bát Tràng dài gần chục cây số, đi qua địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm mới được bê tông hóa, rộng rãi và thông thoáng.
Tuy nhiên đến nay, một số đoạn đã bị xuống cấp, chưa được lắp đặt đủ biển báo, cọc tiêu… khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Xuống cấp nặng nhất là đoạn chạy qua trước trụ sở phường Long Biên, gầm cầu vượt Vĩnh Tuy và trước cửa hàng xăng dầu ở lối rẽ từ đường đê sang quốc lộ 5. Tại đây, bên mái đê bị băm nát rất nghiêm trọng, thường xuyên xảy ra các vụ va quệt, tai nạn xe máy, nhất là vào ban đêm. Ngay cạnh đó là cửa khẩu ra sông Hồng nhưng không có biển báo, hằng ngày có nhiều xe trọng tải lớn ra bãi đổ phế thải, vận chuyển cát, sỏi... khiến đoạn từ chùa Sùng Khánh - Tư Đình đến Bát Tràng luôn bụi mù mịt. Cách gầm cầu chui Vĩnh Tuy chừng 100m, một biển báo điểm đỗ xe buýt bị gẫy, cong ngược từ lâu nhưng không thấy cơ quan chức năng sửa chữa, thay thế. Trên cả đoạn đê này có hơn chục "cửa khẩu", hầu hết đều không có biển báo giao cắt khiến xung đột giao thông thường xuyên xảy ra. Phần mặt đê, đoạn chạy qua các phường Bồ Đề, Long Biên, Thạch Bàn (quận Long Biên) đã bị lún sụt ở nhiều chỗ. Cung đường dẫn về làng cổ Bát Tràng - địa chỉ du lịch của Hà Nội luôn chìm trong bụi... Theo phản ánh của người dân, nguyên nhân làm mặt đường đê ngày càng xuống cấp nghiêm trọng là do có quá nhiều xe tải trọng lớn chở vật liệu xây dựng, phế thải chạy qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.