Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một đêm ở Hoàng cung xứ Huế

Nguyễn Ngọc Tiến| 20/08/2011 08:35

(HNM) - Tôi đã đến Huế vài lần. Một lần vào mùa mưa. Rền rã trời rải nước. Sông Hương mờ mờ những con thuyền làm tủi thân lữ khách cô độc. Lần khác đến Huế vào tháng 6. Nóng đến mức nước vừa qua cổ họng đã thành mồ hôi trên trán.


Đó là một đêm thượng tuần tháng 7. Khách khứa tham dự "Đêm Hoàng cung" trong chương trình Festival Huế đã ra về hết. Nói chính xác là người ta không cho phép bất cứ ai ở lại trong Hoàng cung.


Đêm Hoàng cung Huế.

Kinh thành Huế được xây theo nguyên tắc phong thủy và thuyết âm dương ngũ hành. Mặt thành quách, điện quay về hướng Nam với những mong muốn dòng họ trị vì mãi mãi. Bên ngoài có hào ngăn cách. Các công trình kiến trúc bộc lộ tư tưởng độc tôn quân quyền. Công trình đặc biệt quan trọng nhất chính là Tử Cấm Thành, nơi đây có điện Càn Thành là chỗ vua ngủ, có cung Khôn Thái dành cho Hoàng Quý Phi. Tử Cấm Thành gần như hình vuông, mỗi cạnh trên dưới 300m được bao bọc bởi tường bao cao khoảng 3,5m, có 7 cửa ra vào, còn Đại cung môn là lối đi dành riêng cho vua. 90.000m2 xem ra là rộng nhưng so với những đại gia thời nay cũng chẳng thấm tháp gì.

Màn đêm chầm chậm buông. Đèn điện đã tắt, hàng nến trước đó leo lét theo một đường thẳng cũng không còn. Trăng non mờ mờ. Tôi tiến lại chỗ các nhân viên bảo vệ, họ tưởng tôi bị lạc nên chỉ đường cho tôi ra. Tôi lắc đầu bày tỏ muốn được ngủ một đêm ở chính điện Càn Thành. Họ tưởng tôi có "vấn đề" nên nhất mực từ chối và đuổi ra. Tôi đưa thẻ nhà báo, thứ giấy tuy không còn thiêng như ngày nào nhưng ít nhất cũng xác nhận độ tin cậy nào đó. Một anh bảo vệ giọng lạnh lùng: "Chúng tôi không cho phép bất cứ ai được ngủ lại trong Hoàng cung". Thấy kế đó không được, tôi khoe là hậu duệ nhiều đời của nhà Nguyễn. Đêm tối nhưng tôi thấy họ cười nhạt, họ Nguyễn đông nhất trong các dòng họ ở Việt Nam. Tôi lại "giở bài": "Bảo tàng nên mở dịch vụ ngủ đêm ở nhà của vua thì các anh sẽ có thu nhập cao hơn còn khách du lịch sẽ có cảm giác ngủ ở nhà vua thế nào, các anh để tôi ngủ ở đây, tôi mới viết được bài. Khi báo in ra ít nhiều cũng tác động đến cơ quan chức năng…". Thấy tôi lải nhải những lời lẽ chẳng làm ai sợ mà cũng không thuyết phục được ai trong khi mảnh trăng non đang thấp dần. Anh phụ trách hối hận vì đã nghe tôi trình bày quá dài dòng mà quên rằng giờ này bảo vệ đã đóng cổng bên ngoài. Anh cho phép tôi ngủ ngay trên nền điện Càn Thành, "Tuyệt đối không được di chuyển sang khu vực khác" anh nói như quân lệnh. Điện Càn Thành rộng rãi, đẹp đẽ mà các nhà viết sử mô tả trong sách giờ chỉ là nền đất hoang. Cỏ dại len giữa khe vữa. Chập tối, lúc lễ hội diễn ra, đạo diễn Lê Quý Dương cho sắp đặt ở đó hàng trăm chiếc đèn lồng đỏ. Giờ nến tắt, bãi hoang lành lạnh. Tôi ngồi bệt xuống cỏ, móc túi bạt lấy chai Minh Mạng và một chiếc chén con mà buổi chiều tôi phải đi xe ôm ra chợ Đông Ba mới mua được. Cầm chai rượu, tôi lẩn thẩn, phải chăng vì ông vua này có tới mấy chục vợ và 142 người con nên người đời nay lấy tên ông để đặt tên cho một loại rượu nhằm bán được nhiều hàng? Hay bài thuốc ấy còn lưu được đến ngày nay? Âm thanh cuộc sống bên ngoài dường như đã tắt. Quanh tôi chỉ còn tiếng côn trùng khóc, không biết dưới lòng đất có yên không? Tôi rót một ly đặt trên viên gạch khấn các vị. Rồi tôi nhè nhẹ ngả mình xuống đám cỏ và thấy cơ thể khác lắm, có lẽ bởi lần đầu tiên tôi được ngủ ở nhà vua, điều mà tôi không bao giờ dám nghĩ tới dù chế độ quân chủ đã qua từ lâu. Đã vậy lại ngủ ở nhà của 13 vị vua. Trước đây, tôi chỉ nghe người ta nói bữa ăn của vua chúa toàn sơn hào hải vị. Sơn hào hải vị chắc là ngon, song ngày nào cũng ăn như vậy chắc cũng chán. Có thể vua lắm vợ nên phải ăn những món bổ dưỡng? Tôi không biết khi vua xong việc triều chính thì làm gì vì thời đó làm gì có sân gôn và các quan đâu có biết chơi gôn như thời nay. Hay vua trò chuyện, dạy bảo con cái? Các bà vợ săn đón vua về phòng mình có giống như mấy phim lịch sử phong kiến Trung Hoa từng chiếu ở Việt Nam không? Trong đầu tôi hiện ra hàng loạt câu hỏi mà không dễ có câu trả lời ngay được.

Tôi hình dung vua Gia Long sau khi lên ngôi đã cho quật lăng mộ Quang Trung, trừng trị bề tôi nhà Tây Sơn. Vị vua này cũng cho khai khẩn đất hoang phía Nam, đào kênh Vĩnh Tế, trị thủy ở miền Bắc. Tôi lại nghĩ tới vua Minh Mạng, vị vua suốt đời lấy việc "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" là cái đích. Có công trong cải cách hành chính, đặc biệt là đưa ra chủ trương "Tứ bất lập" để giảm bớt thói độc đoán, chuyên quyền trong bộ máy cai trị, các chính phi tham gia vào chuyện triều chính hay ức hiếp quan quân… Minh Mạng cũng đưa ra phép "Hồi tỵ", theo đó quan không được cai trị quê mình, phải trả lại quyết định khi người bổ nhiệm không biết. Minh Mạng cũng thống nhất việc đo lường trong cả nước… Ông rất ghét thói tham nhũng và đã cho chặt tay một viên quan tham lam gian xảo khi đong lúa của dân… Cũng làm vua nhưng Dục Đức tại vị được ba ngày sau đó bị tống giam vào ngục, chết không có quan tài mà bị bó chiếu. Năm 1858, Pháp nổ súng ở Đà Nẵng, rồi lần lượt chiếm ba tỉnh miền Đông, tiếp đến ba tỉnh miền Tây, sau đó ra ngoài Bắc biến Hà Nội thành nhượng địa… Tự Đức và các vị vua sau này không còn nhiều uy quyền như Gia Long hay Minh Mạng. Tôi cảm phục Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, vì nước Việt bị Pháp đầy ra nước ngoài. Tôi cũng tưởng tượng cảnh Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là cuối cùng chế độ phong kiến Việt Nam phải thoái vị vào năm 1945… chấm dứt 143 năm nối nhau làm vua của nhà Nguyễn.

Khoảng ba giờ sáng, trăng thượng tuần đã đi nghỉ. Một lớp sương nhè nhẹ phủ lên kinh thành. Tôi rót rượu và uống để cắt dòng suy nghĩ. Xung quanh Tử Cấm Thành trống vắng. Côn trùng mệt quá cũng ngừng kêu. Yên ả đến lạ lùng. Tôi lẩm bẩm bài thơ "Ngẫm sự đời" của vua Tự Đức:
Sự đời ngẫm nghĩ nghĩ mà ghê
Sống gửi rồi ra lại thác về
Khôn dại cùng chung ba thước đất
Giàu sang chưa chín một nồi kê
Tranh giành nước mắt, mây tan tác
Đầy đọa sau thân, núi nặng nề
Muốn đến hỏi tiên, tiênchẳng bảo
Gượng làm chút nữa để mà nghe.


Bị ảnh hưởng Nho giáo, Phật giáo và tâm niệm "Sống ký, tử quy" (sống gửi, thác về) xây mộ cho mình khi đang sống sờ sờ nhưng cứ đăm đắm câu của Lý Bạch:

Cổ nhân bất kiến kim thời nguyệt
Kim nguyệt tằng minh chiếu cổ nhân.


(Tạm dịch: Người xưa không thể chứng kiến được trăng thời nay nhưng trăng thời nay thì nhìn được người xưa). Uống hết nửa chai Minh Mạng, tôi loay hoay, không biết các vua triều Nguyễn đang nằm sâu dưới nhiều tấc đất có biết nhà mình, Càn Thành giờ chỉ là còn nền hoang. Nghĩ mà thấy tội cho kiếp người

Trời sáng dần, khoảng trống trong Tử Cấm Thành lại hiện ra. Càn Thành trơ gạch và đất, cây cỏ đứng yên. Lác đác đã có người vào chuẩn bị cho những chương trình tiếp theo của Festival. Tôi thấy người trào lên thứ cảm xúc không thể gọi tên…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một đêm ở Hoàng cung xứ Huế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.