Juve-Barca trong lòng Italia - Tây Ban Nha và cuộc chiến giữa những tư tưởng bóng đá đã nóng lên khi trận chung kết ở Kiev trở thành đề tài lớn mà hàng triệu người quan tâm. Vấn đề thực sự thế nào?
Santiago Serugola, cây bút thể thao hàng đầu Tây Ban Nha của tờ El Pais, trong số báo ra ngày hôm sau trận chung kết World Cup 2006, đã viết một bài bình luận mà nhiều tifosi chưa hề quên. Ông cho rằng, "đấy là trận chung kết của những con số 0", và rằng "Italia đã thắng trong loạt xổ số luân lưu may rủi. Cannavaro đã giơ cao chiếc Cúp vô địch. Hình ảnh ấy sẽ mãi còn trong sử sách người Ý và sẽ được ăn mừng ở các thành phố Italia. Họ sẽ nói về những người hùng Berlin và những kẻ theo chủ nghĩa cơ hội sẽ tấn công vào kết quả. Nhưng sẽ không ai nói về bóng đá, bởi vì bóng đá Ý không tồn tại... Italia không là gì ngoài hình ảnh của Gattuso, không phải vì tiền vệ này là một người cần cù lao động, thông minh hay có khả năng đoàn kết cả đội. Anh hữu dụng vì các HLV không thể sống thiếu những Gattuso. Sự khác biệt lớn lao là Barca và trường học của nó. Sự tầm thường là Italia".
Tây Ban Nha và Italia là cuộc chiến thu nhỏ của Barca và Juve - Ảnh: Getty |
Bài viết ấy đã làm bùng nổ cả một cuộc chiến "từ ngữ" giữa báo chí hai nước, và đến giờ người Ý vẫn chưa tha thứ cho những gì Serugola đã viết ra. 6 năm sau, sau trận Tây Ban Nha thắng Bồ Đào Nha cũng bằng cách đá phạt đền, người Ý đã cười vào mũi người hàng xóm khi chính tờ báo này thừa nhận (không phải Serugola, ông đã chuyển sang Marca): "Để chiến thắng, cần phải biết chịu đựng. Nhưng cuối cùng thì chỉ có người chiến thắng là có tất cả, khi họ đăng quang trong mọi hoàn cảnh".
Điều gì đã xảy ra, phải chăng người Tây Ban Nha đã bị Ý hóa, trong khi chính Prandelli đã Barca hóa Italia bằng việc áp dụng lối chơi cầm bóng chắc, di chuyển không bóng nhiều, ghìm trái bóng xuống mặt đất và thực hiện nhiều đường chuyền ít chạm? Sự nhàm chán mà Tây Ban Nha đem lại cho giải đấu là một bằng chứng không thể chối cãi về mặt hình ảnh của một đội tuyển đã không còn tỏa sáng như hồi EURO 2008 và World Cup 2010, khi mất Villa, Puyol trong khi Xavi sa sút vì quá tải? Sẽ có rất nhiều câu trả lời không đơn giản cho những câu hỏi đó, nhưng rõ ràng, người ta sẽ còn cãi nhau nhiều nữa về những gì cả hai đội đã chơi trong giải, về những triết lí bóng đá đã thay đổi theo hoàn cảnh và theo tư duy của những HLV đã áp dụng chúng, nhưng chắc chắn có một điều phải thừa nhận: Ý-Tây Ban Nha là một cuộc chiến Juventus-Barcelona.
Cuộc chiến trung tuyến
Khối Juventus đã trở thành xương sống cho đội Ý vào năm 2012 đầy biến cố, như họ đã từng vào năm 1968 lúc Ý đăng quang EURO năm ấy, vào năm 1982 khi Ý vô địch, vào năm 2006 khi họ lên đỉnh thế giới. Không thể khác được, luôn Juve, mãi Juve. Đã có những Zoff, Tardelli, Paolo Rossi và Cannavaro, nay có thêm Pirlo, Bonucci và Chiellini và những người khác (Buffon, Barzagli, vẫn là các anh như 2006, và Marchisio, Giaccherini). Nhưng sự khác biệt ở chỗ, tinh thần Juve 2012 mạnh mẽ hơn, vì Juve của Conte chơi một thứ bóng đá tấn công khoáng đạt và đầy sảng khoái dựa trên khao khát chiến thắng để trở lại đỉnh cao sau những năm tháng chìm trong bóng tối Calciopoli. 3/ 4 hàng thủ Ý bây giờ là Juve (Bonucci, Barzagli, Chiellini). Trái tim và linh hồn của cả đội là Juve (Pirlo). Buồng phổi và võ sĩ giác đấu là Juve (Marchisio). Bảo vệ thành quả của đồng đội là Juve (Buffon). Juve sống trong cả những điều chỉnh chiến thuật của Prandelli. Tinh thần tấn công ấy được thể hiện một cách rõ rệt trên con đường mà Italia đã đi.
Không cần phải nói gì nhiều về khối Barca trong lòng Tây Ban Nha nữa. Ba tiền vệ của họ ở giữa sân (Butsquets, Xavi, Iniesta) và một số 9 ảo (Fabregas, thực ra có nhiệm vụ của một tiền vệ luôn di chuyển để tạo khoảng trống, hoặc chính anh tạo ra cơ hội cho mình) đã tạo nên bản sắc bóng đá của một đội tuyển đã chinh phục châu Âu và thế giới trong những năm qua. Chỉ còn thiếu Messi nữa cho một ngày hội bóng đá nếu họ chơi với phong độ và thể lực tốt nhất.
Cuộc chiến trung giữa Ý và Tây Ban Nha sẽ chính là cuộc chiến ở trung tuyến giữa họ, giữa Pirlo và Xavi, trái tim Italia và trái tim Tây Ban Nha, là những phong cách gặp nhau trong cùng một quan điểm bóng đá vừa duy mĩ vừa thực dụng: kiểm soát giữa sân và cầm bóng vượt trội là chìa khóa của chiến thắng. Tây Ban Nha đã như thế trong 4 năm qua và giải này thậm chí đi đến chung kết mà không cần tiền đạo (nhưng họ cũng không thủng lưới bàn nào từ đó đến giờ, bởi hàng tiền vệ che chắn cho tuyến dưới quá tốt. Và nữa, đối phương lấy bóng đâu ra mà đá). Italia bây giờ mới chơi thứ bóng đá đó và hiểu ra rằng, không phải lúc nào cũng có thể sử dụng lối chơi phòng ngự truyền thống để có được chiến thắng.
Sự háo hức của Italia đối đầu với tính cáo già của người Tây Ban Nha. Khát khao chiến thắng để vượt lên mọi chỉ trích và kì thị, như Juventus đã làm tất cả những gì có thể để bước ra ánh sáng sau 5 năm, đối đầu với kinh nghiệm và bản lĩnh Tây Ban Nha trong tâm hồn Barca. Sau đêm Kiev, chúng ta sẽ trả lời được câu hỏi: Trái tim Italia hay trái tim Tây Ban Nha đập mạnh hơn?
8 Juve vs. 8 Barca TBN-Barca: Victor Valdes, Gerard Pique, Jordi Alba, Andres Iniesta, Xavi Hernandez, Cesc Fabregas, Sergio Busquets, Pedro Rodriguez. Italia-Juve: Gianluigi Buffon, Giorgio Chiellini, Andrea Barzagli, Leonardo Bonucci, Claudio Marchisio, Emanuele Giaccherini, Andrea Pirlo, Sebastian Giovinco. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.