Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Một cửa” chưa đều

Hiền Chi| 09/10/2012 06:51

(HNM) - Việc thực hiện cơ chế

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa huyện Đông Anh. Ảnh: Phương An


Đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã có 29/29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn; 26 sở, ban, ngành và đơn vị hiệp quản đã tổ chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế "một cửa", cơ chế "một cửa liên thông" (bộ phận "một cửa"). Toàn bộ các đơn vị đều ban hành đủ các văn bản làm cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của bộ phận "một cửa" theo Quyết định 84/2009/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội như: Quyết định thành lập, kiện toàn bộ phận "một cửa"; quyết định phân công trưởng bộ phận và công chức làm việc tại "một cửa"; quy chế làm việc tại bộ phận "một cửa"… Một số cơ quan, đơn vị còn ban hành thêm các văn bản nhằm cụ thể hóa Quyết định 84, phù hợp với điều kiện đơn vị.

Tiêu biểu như các quận, huyện Hoàng Mai, Thanh Trì, Từ Liêm ban hành quy chế phối hợp giữa các phòng chuyên môn và các ngành để giải quyết TTHC; quận Hoàng Mai ban hành quy chế kiểm soát bộ danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Hệ thống các văn bản này đã góp phần xác định rõ cơ sở pháp lý cho bộ phận "một cửa" và trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân và bộ phận có liên quan trong quá trình giải quyết TTHC.

Ngoài đẩy mạnh công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất, nhiều đơn vị đã sáng tạo trong cách triển khai như quận Hoàng Mai, huyện Từ Liêm, vừa cung cấp tờ giấy hướng dẫn (miễn phí) vừa bố trí riêng một cán bộ trực tại "một cửa" để hướng dẫn công dân làm thủ tục cho đúng. Huyện Thanh Oai khi đưa mẫu phiếu đều có kèm hướng dẫn để công dân có thể mang về nhà điền cho đúng, đủ; đồng thời huyện còn xây dựng hệ thống phiếu chuyển giao công việc theo quy trình: Bộ phận "một cửa" - trưởng bộ phận chuyên môn - lãnh đạo đơn vị, để đến cuối ngày là xác định được bộ phận nào chậm trễ. Thậm chí, quận Long Biên còn mời đơn vị tư vấn đến khảo sát thực trạng của 14 phường trên địa bàn, sau đó mời thiết kế mẫu phiếu cho từng phường căn cứ theo mẫu quy định.

Bên cạnh các đơn vị làm tốt, vẫn còn một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện Quyết định 84 như: Chưa ưu tiên, bố trí đủ diện tích theo quy định; chưa phân công đủ công chức chuyên trách "một cửa"; chưa thực hiện niêm yết công khai đúng quy định… Theo chỉ đạo của UBND TP, phải bảo đảm 100% các TTHC phải được tiếp nhận và trả kết quả giải quyết tại bộ phận "một cửa", song đến nay nhiều đơn vị chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu này. Theo ông Mai Thiện Thành, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC-Văn phòng UBND TP Hà Nội: "Nếu không giải quyết TTHC tại bộ phận "một cửa" sẽ khó thống kê khối lượng công việc và khó kiểm soát chất lượng làm việc của cán bộ, công chức. Vì vậy việc đưa toàn bộ TTHC ra thực hiện tại "một cửa" là cần thiết". Cũng theo ông Mai Thiện Thành, hiện đang có tình trạng thực hiện các quy định chưa đồng đều. Chẳng hạn như "một cửa" của thị xã Sơn Tây làm khá tốt nhưng "một cửa" của huyện Ba Vì còn yếu; xã Sơn Hà ở ngay gần thị trấn Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên) nhưng thực hiện "một cửa" rất "đuối"... Vì thế, các đơn vị làm chưa đạt có thể học tập ngay các đơn vị ở gần mình.

Để tăng cường hiệu quả giải quyết TTHC, UBND TP đã chỉ đạo các sở LĐ,TB&XH, KH-ĐT, TN-MT xây dựng quy trình giải quyết liên thông các TTHC thuộc thẩm quyền; đồng thời, TP đã chỉ đạo làm điểm xây dựng mô hình "cơ quan điện tử" tại 5 quận, huyện và 62 đơn vị xã, phường, thị trấn. Điều quan trọng là người đứng đầu mỗi đơn vị cần quan tâm đúng mức đến công tác này, các quận, huyện cần sát sao, hướng dẫn, đốc thúc các đơn vị xã, phường, thị trấn thực hiện đúng và đủ theo Quyết định 84 để bảo đảm quyền lợi cho tổ chức, công dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Một cửa” chưa đều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.