Giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản ở hạng đấu cao nhất (J.League 1) được xem là hình mẫu về bóng đá chuyên nghiệp ở châu Á. Đến xem một trận đấu tại giải vào cuối tháng 6 vừa qua, hóa ra những vị khách đến từ Việt Nam như chúng tôi còn nhận được nhiều thứ hơn cả mong đợi.
Sự cuồng nhiệt và những nụ cười
Quãng thời gian chúng tôi có mặt ở Osaka (Nhật Bản) cũng là lúc diễn ra trận đấu tại J.League 1 giữa CLB Gamba Osaka với Kashima Antlers. Tại J.League 1, hiếm tỉnh nào có tới hai đội góp mặt như Osaka (gồm Gamba Osaka và Cerezo Osaka). Việc mua vé xem trận đấu với người từ nơi khác cũng dễ dàng. Chỉ cần vào trang web của Ban tổ chức J.League 1, đặt lệnh mua rồi thanh toán bằng thẻ tín dụng là đã có vé vào sân trên điện thoại. Giá vé cũng đa dạng, từ 2.500 yen (khoảng 425 nghìn đồng) đến 15.300 yen (khoảng 2,6 triệu đồng). Nếu muốn sở hữu tấm vé in trên giấy để làm kỷ niệm, bạn có thể in tại cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống 7-Eleven với chi phí là 220 yen/vé.
Đặt chân đến khu khán đài sân vận động Panasonic Suita, sân nhà của Gamba Osaka, nơi diễn ra trận đấu Gamba Osaka - Kashima Antlers, người ta không còn thấy những người Nhật Bản trầm lắng. Bởi ở đó, ngay khi làm thủ tục để bắt đầu trận đấu, trên khán đài, các cổ động viên của hai đội đều đứng dậy, hát vang bài hát truyền thống của CLB cũng như giơ những tấm khăn có in tên câu lạc bộ trên đó.
Trong suốt trận đấu, cổ động viên trung thành của cả hai đội, được xếp ngồi phía sau mỗi cầu môn hầu như chỉ đứng, gõ trống và hát, cổ vũ các cầu thủ. Cổ động viên chủ nhà cuồng nhiệt khi Gamba Osaka dẫn bàn đã đành, cổ động viên đội khách Kashima Antlers cũng cuồng nhiệt không kém. Họ không trầm lắng khi đội nhà bị dẫn bàn mà liên tục hát bài ca truyền thống của CLB để tiếp lửa cho các cầu thủ. Trong khi đó, cạnh khán đài của nhóm cổ động viên Gamba Osaka, các hoạt náo viên nữ liên tục nhảy múa để tiếp lửa, khiến trận đấu mang tính giải trí nhiều hơn.
Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, các thành viên của đội bóng đến chào các cổ động viên trung thành, đèn trên sân hầu như tắt, chỉ còn tập trung về phía thành viên đội bóng. Trên khán đài là cả quầng xanh - trùng màu áo truyền thống của câu lạc bộ, phát ra từ các vòng đeo tay, cục phát sáng do các cổ động viên giơ lên. Tất cả tạo nên khung cảnh bắt mắt, ấm áp và ai cũng có thể hiểu rõ sự gắn kết giữa đội bóng với cổ động viên.
Khung cảnh ấy thực sự vẫn là mơ ước của bóng đá Việt Nam.
Nhiều trải nghiệm "rất Nhật Bản"
Cách cổ vũ của cổ động viên, sự gắn bó giữa đội bóng và cổ động viên chỉ là một trong nhiều trải nghiệm khi tới xem một trận đấu bóng đá ở Nhật Bản. Có những trải nghiệm khác, đơn giản thôi nhưng gây bất ngờ. Như chuyện sau mỗi ghế ở khán đài đều có chỗ để cổ động viên ở hàng ghế sau cắm chai nước vào đó. Trong khi đó, hai màn hình đặt ở hai góc sân thực sự đáng để mơ ước. Ở đó, màn hình có thể chia đôi trước một tình huống đá phạt để khán giả có thể theo dõi cả cầu thủ sắp sút phạt cũng như các cầu thủ hai đội đang kèm nhau trên sân. Mỗi khi có pha bóng hay hoặc tình huống ghi bàn thì chỉ ít giây sau, trên màn hình đã xuất hiện các pha chiếu chậm, lặp đi lặp lại liên tục. Đó cũng là điều xa xỉ ở nhiều sân bóng Việt Nam.
Còn khi có cầu thủ của Gamba Osaka ghi bàn thì chỉ ít giây sau, màn hình trên sân đã hiện lên thông tin và hình ảnh về cầu thủ này. Sự tận dụng tối đa về công nghệ hướng đến người xem đúng là có tốn kém nhưng lại đáp ứng nhu cầu của người xem, giúp thu hút khán giả tới sân.
Nói về sân vận động Panasonic Suita, không thể không kể về khu vệ sinh ở sân. Ở đó, có thể thấy sự ngăn nắp, sạch sẽ với hệ thống bồn cầu, vòi rửa xịt tự động. Trong số khán giả đến sân, anh Nguyễn Đình Hùng (ở phố Lạc Trung, quận Hải Bà Trưng, Hà Nội) kể rằng, mỗi khi đến sân bóng nào đó, anh đều quan sát nhà vệ sinh bởi đó là nơi giúp đánh giá tốt nhất về sự chăm chút khán giả của Ban tổ chức trận đấu. Về khu vệ sinh của sân Panasonic Suita, anh Nguyễn Đình Hùng nhận xét: “Không thể chê vào đâu được, sạch sẽ, sáng sủa và hiện đại”.
Và đương nhiên, sau trận đấu là hình ảnh những cổ động viên cầm túi rác mang tới lối ra, nơi các nhân viên của CLB với nụ cười thân thiện đã mở những túi nilon to để hứng rác. Những nụ cười thân thiện còn có thể thấy ở nhân viên soát vé, nhân viên bán hàng ăn và nhân viên chỉ dẫn khán giả trên khán đài...
Đường về từ sân vận động Panasonic Suita ra ga tàu Bampaku Kinenkoen tối hôm đó đông nghịt người. Thỉnh thoảng, đoàn người dừng lại do nhân viên nhà ga ra tín hiệu giãn lượng người vào ga để bảo đảm số người lên tàu không quá tải. Chúng tôi mất thêm 2 lần dừng nữa với tổng cộng khoảng 15 phút. Tất cả đều kiên nhẫn chờ đợi trong trật tự...
Đó là một chuyến đi thú vị. Tất cả cho thấy giá trị của việc đi xem một trận bóng đá trong khuôn khổ J.League 1 tại Nhật Bản không dừng lại ở những pha bóng hay trên sân cỏ, mà ở đó có nhiều điều khác đáng để suy ngẫm, học hỏi để có thể áp dụng, thực hiện tại Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.