Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một cách thể hiện tình yêu Hà Nội

Minh Ngọc| 01/10/2014 06:54

(HNM) - Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ngành văn hóa Hà Nội mở cuộc vận động các tổ chức, cá nhân hiến tặng tài liệu, hiện vật gắn với quá trình chiến đấu, lao động, sản xuất của quân và dân Thủ đô cho Bảo tàng Hà Nội (BTHN). Chỉ sau hơn một tháng phát động, BTHN đã nhận được hàng trăm tài liệu, hiện vật quý.


Nghĩa cử đẹp thể hiện tình yêu Hà Nội sâu sắc

Khó có thể diễn tả đầy đủ cảm xúc của những người đã hiến tặng kỷ vật cho BTHN. Họ, mỗi người một lý do riêng nhưng đều chung mục đích, muốn hiện vật mà mình có được lưu giữ tốt hơn, muốn những kỷ vật gắn bó với mình đến được với nhiều người.

Trước khi hiến tặng bộ con dấu của Phòng Thương nghiệp quận Đống Đa sử dụng từ năm 1958 đến 1985 cho BTHN, ông Trần Quang Chính (nhà 9N7B - Khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính) giữ những hiện vật này như giữ báu vật. Biết thông tin thành phố Hà Nội vận động hiến tặng tài liệu, hiện vật cho BTHN, ông đã mang "báu vật" của mình đến để bổ sung vào kho tư liệu chung, mong muốn hiện vật có cơ hội được bảo quản tốt hơn, được công chúng biết đến nhiều hơn.

Dù có chút tiếc nuối, vợ chồng ông Dương Văn Bằng và bà Nguyễn Thị Bích Liên (số nhà 37 Cầu Giấy - Hà Nội) vẫn quyết định hiến tặng những kỷ vật gắn với quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời của ông bà. Đó là bộ tem về số máy bay Mỹ bị bắn rơi, nhãn diêm Thống Nhất thời kỳ bao cấp, ảnh cuộc thi "Bé khỏe, bé đẹp" năm 1955 do thành phố Hà Nội tổ chức. "Bao nhiêu năm qua, bà nhà tôi gìn giữ bức ảnh bé khỏe, bé đẹp với niềm tự hào sâu sắc. Còn bộ tem về số máy bay Mỹ bị bắn rơi thì không phải ai cũng có và giữ được đến giờ. Chính vì nó quý nên gia đình chúng tôi tặng BTHN để thế hệ hôm nay có cơ hội được nhìn lại một thời đã qua", ông Dương Văn Bằng chia sẻ.



Anh Phạm Văn Điệp, thôn An Nhân, xã Hoàng Đồng, huyện Duy Tiên (Hà Nam) có hẳn một bộ sưu tập kỷ vật gắn liền với Hà Nội. Dịp này, anh tặng BTHN một ango, một bi đông và một chiếc đèn dầu bằng sắt. Anh Phạm Văn Điệp cho hay: "Những hiện vật tưởng chừng như đơn giản ấy tôi đã phải dày công sưu tầm mới có được. Nhưng khi biết tin BTHN tiếp nhận hiện vật, không một chút do dự, tôi đã mang những đứa con tinh thần ấy tới tặng BTHN".

Nói về đợt vận động hiến tặng này, Phó Giám đốc điều hành BTHN Nguyễn Tiến Đà cho biết: "Ban đầu, chúng tôi khoanh vùng đối tượng vận động là thanh niên xung phong, công nhân hỏa tuyến và những người tham gia hoạt động cách mạng, nhưng khi tổ chức tuyên truyền rộng rãi, rất nhiều người không phải là những đối tượng trên cũng đã tặng hiện vật cho BTHN. Đến thời điểm này, không những số tài liệu, hiện vật mà BTHN nhận được nhiều hơn con số chúng tôi nghĩ, mà một số cá nhân còn bày tỏ nguyện vọng hiến tặng cổ vật cho BT. Điều đó chứng tỏ người dân Thủ đô nói riêng, người dân cả nước nói chung luôn tha thiết một tình yêu dành cho Hà Nội. Khi có cơ hội, họ sẽ thể hiện bằng nhiều cách".

Tái hiện hình ảnh Hà Nội một thời


Phần lớn số tài liệu, hiện vật mà BTHN nhận được dịp này đều liên quan đến cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ bao cấp. Thông qua những hiện vật này, thế hệ trẻ sẽ có cơ hội hiểu hơn về Hà Nội trong một giai đoạn lịch sử oai hùng nhưng cũng không ít khó khăn, thử thách, những gì mà chúng ta đã phải vượt qua để có được cuộc sống hòa bình, no ấm như hôm nay. Về điều này, ông Dương Văn Bằng nói: "Thấy chúng tôi giữ nhãn diêm Thống Nhất, rất nhiều người cảm thấy buồn cười. Ít người biết rằng nhãn diêm Thống Nhất trong thời kỳ chiến tranh, bao cấp là một bức tranh cổ động thu nhỏ mà nhìn vào đó, thế hệ chúng tôi hiểu được mục tiêu, nhiệm vụ của Thủ đô và đất nước trong giai đoạn đó là gì. Vì lẽ đó, tôi giữ nhãn bao diêm Thống Nhất đến ngày hôm nay, nó như lời nhắc nhở con cháu là dù đi đâu, làm gì cũng nên nhớ về sự cống hiến lớn lao của thế hệ ông cha để mà cố gắng".

Bà Nguyễn Thị Kim Anh (số 11, ngách 260/10, đường Cầu Giấy - Hà Nội) kể: "Hiện vật mũ cối, bi đông, võng dù, ½ quả bom bi mà tôi mang tặng BTHN là những kỷ vật gắn với quá trình chiến đấu của bố đẻ tôi - Đại tá Nguyễn Danh Phan, nguyên Chính ủy kiêm Cục trưởng Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần). Ông hy sinh trên đường 12 ở Quảng Bình vào tháng 4-1972. Chiếc khăn len là của mẹ tôi đeo từ những năm 60 đến những năm 70 của thế kỷ trước, có nhiều vết thủng lỗ chỗ, cho thấy sự chắt chiu, chịu thương chịu khó của phụ nữ Thủ đô thời ấy. Riêng sổ đăng ký lương thực là của cá nhân tôi. Trong thời kỳ bao cấp, cuốn sổ này quý hơn tiền bạc"…

Là người trực tiếp đi vận động hiến tặng, chị Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền (BTHN) cho biết: Có đi vận động mới thấy số tài liệu, hiện vật có thể giúp tái hiện hình ảnh Hà Nội trong giai đoạn 1946-1954, tiến tới Giải phóng Thủ đô nói riêng, thời kỳ kháng chiến, kiến quốc nói chung còn được người dân lưu giữ khá nhiều. Tuy chưa thể sưu tập hết, song con số hàng trăm hiện vật, tài liệu mà các tổ chức, cá nhân tặng cho BTHN dịp này đã giúp BT rất nhiều. Dự kiến, BTHN sẽ giới thiệu toàn bộ số hiện vật sưu tầm được vào tháng 11 năm nay, sau đó dùng để bổ sung cho phần trưng bày theo chủ đề "Hà Nội - Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa" như kịch bản đã được phê duyệt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một cách thể hiện tình yêu Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.